Sướng mà không biết!

ANTĐ - Lâu nay ông kêu nghèo kể khổ quen mồm, rồi có khi nó vận vào thân vào đời, còn những thứ sướng thì ông lờ tịt hoặc giả vờ không biết, thật chả ra làm sao.
- Thứ nhất: tôi không kêu cho tôi vì nhìn ra xung quanh thấy nhiều người còn khổ, thứ hai: cái gì sướng thì hét lên chứ việc gì phải giả vờ lờ tịt. Thế ông bảo cái gì sướng mà không biết?
- Ông thấy chúng ta trong việc “đi tắt đón đầu” thì công nghệ thông tin, truyền hình… là tuyệt vời chứ gì?
- À, ừm, công nhận!
- Đấy, sướng ở “mảng” ấy chứ đâu. Ngày xưa nhà nào có cái “galen” chụp vào tai nghe đài, có cái ra-đi-ô tự lắp chạy bằng pin muối là oai nhất làng. Tiến tới có cái đài bán dẫn, có cái ti vi đen trắng là đã sang “đẳng cấp” khác. Bây giờ thì…
- Chuyện cũ kể lại làm gì, nghe mệt lắm. Khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.
- Như vậy là chúng ta cũng phát triển như vũ bão, chúng ta giỏi, hoan hô chúng ta!
- Đừng lạc quan tếu như thế, ta cũng chỉ “hớt váng” thôi. Nhưng dù váng hay thịt thì đa phần người dân vẫn hưởng lợi. Chứ không à? Chỉ riêng “váng” truyền hình đã là một thí dụ. Ai nghèo thì dùng “Analốc”, ăng ten râu, ai khá hơn thì xài kỹ thuật số, truyền hình cáp, vệ tinh, mặt đất… đủ kiểu. Tháng chi mấy chục nghìn mà được xem tới mấy chục kênh truyền hình trên thế giới. Ông đi nước ngoài vào khách sạn 3, 4 sao cũng chỉ được xem dăm ba kênh. Cứ thế mà suy thì dân ta luôn được sống trong những khách sạn nhiều chục sao (với truyền hình). Sướng quá còn gì!
- Vâng, theo thống kê thì chúng ta có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài đang được phát dưới các hình thức phát sóng. Một con số rất “khủng”. Nhưng xem ra “lợi bất cập hại”, có “hoa thơm” nhưng cũng có nhiều “cỏ dại” trong đó. Các nhà đài, các cơ quan quản lý không sớm xem xét, siết lại thì rất không ổn.
- Thôi, trong khi chưa kịp siết, lúc nào nhà vắng vẻ, cứ bật các kênh ca nhạc lên cho nó có tiếng người, rảnh thì ghé mắt xem các em chân dài váy ngắn, “phong nhũ phì đồn” cho nó râm ran cái thân già.