Sương gió đời thợ ảnh trên những cây cầu Đà thành

ANTĐ - Bất kể giữa trưa nắng chói chang hay đêm khuya gió lộng, khách đi qua những cây cầu nổi tiếng của Đà Nẵng như: cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu quay sông Hàn, cầu Thuận Phước... đều dễ gặp cánh thợ chụp ảnh dạo nhẫn nại đứng đợi khách.
Sương gió đời thợ ảnh trên những cây cầu Đà thành ảnh 1
Ban đêm, cầu Rồng sáng rực rỡ, là địa điểm lý tượng cho thợ chụp ảnh dạo hành nghề


Trả công thợ ảnh bằng... kim tiêm

Thấy tôi dừng xe ở đầu cầu Rồng, anh Hải (một thợ chụp ảnh dạo, về sau hỏi chuyện, được biết tên anh- PV) lập tức bước đến mời: “Chụp ảnh đi em, 20.000đ/kiểu. Đảm bảo chất lượng, ảnh không đẹp không lấy tiền”.

Tôi lắc đầu, khuân mặt đen sạm nắng gió bỗng chùng xuống. Đưa mời anh ly cà phê đá mua sẵn, tôi tự giới thiệu và nói rõ mục đích, muốn tìm hiểu và viết bài về công việc của những người chụp ảnh dạo như anh. Anh gạt đi: "Có gì đáng viết đâu, mưu sinh thôi mà". Tỉ tê một hồi, rồi cuối cùng người thợ chụp ảnh dạo đã ngũ tuần cũng chịu mở lời...

Cầu Trần Thị Lý khánh thành cùng ngày với cầu Rồng, có 2 mặt dây văng hình quạt, 
cách điệu mềm mại của cánh buồm căng gió ra khơi.

Anh Hải quê gốc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Học hết phổ thông thì nghỉ, đi học nghề điện tử, chuyên sửa chữa đài đóm, tivi ở ngay thị trấn Vĩnh Điện. Thủa đó, anh được coi là tấm gương sáng cho đám thanh niên trong vùng, vì chí thú làm ăn. Mà nghề điện tử khi đó sống được, thu nhập cũng khá.

Dần dà, tivi, đài ngày...càng rẻ và tốt, chẳng mấy khi hỏng. Đôi khi tiền sửa quá tiền mua đồ mới. Thế là anh phải xoay nghề. Thấy khách du lịch về phố cổ Hội An nhiều, anh mua máy ảnh, học mót kỹ thuật và bước chân vào đời chụp dạo. “Thoáng đó mà cũng 15 năm rồi đấy”- anh Hải nhấp ngụm cà phê đen sánh, nói.

Chụp ảnh ở Hội An được chừng 2 năm, khi tay nghề cứng cáp và nhằm đúng lúc cầu quay sông Hàn được khánh thành (tháng 3-2000), anh Hải chuyển địa bàn làm ăn.

Anh kể tiếp: “Lúc trẻ thì còn sức thức đêm, phục vụ khách muốn chụp ảnh cầu quay sông Hàn (Hằng ngày, vào khoảng 1 giờ khuya, phần giữa của cây cầu được điều khiển cho quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông Hàn để mở đường cho tàu lớn đi qua. Khoảng 4 giờ, cầu sẽ quay trở lại như cũ. Đến nay vẫn có nhiều du khách muốn chụp cảnh này khi đến Đà Nẵng- P.V), tiền bạc cũng kiếm được hơn vì giá chụp đêm thường cao gấp đôi chụp ngày. Giờ có tuổi rồi, không thức mãi thế được”.

Sương gió đời thợ ảnh trên những cây cầu Đà thành ảnh 3
Có rất nhiều thợ chụp ảnh dạo đợi khách trên những cây cầu này

Thiết bị, đồ nghề giống nhau, bao gồm: chiếc xe máy chở thùng đồ ở ba-ga phía trước
tấm bạt quảng cáo treo ở đuôi xe

Kể về kỷ niệm xấu, anh Hải nhớ có lần chụp ảnh đêm cho một nhóm thanh niên cả nam lẫn nữ, đông hơn chục người. Họ tự tạo dáng đủ kiểu và bắt người thợ ảnh dạo chụp liên tục. Xong xuôi, đám thanh niên này quay ra... đòi ảnh luôn. Anh Hải rát miệng giải thích rằng, giờ này nhân viên các phòng Lap đã nghỉ cả, hẹn ngày mai trả ảnh, song họ không chịu. Một thanh niên to như gấu, tay xăm trổ vằn vện còn túm cổ áo người thợ ảnh khốn khổ, dọa...quăng xuống sông Hàn. Van xin mãi, đám thanh niên mới bỏ đi, không quên đe dọa anh Hải phải sớm có ảnh cho họ.

Sáng hôm sau, anh Hải mang xấp ảnh đã rửa đến tận phòng khách sạn cho đám thanh niên trên để thanh toán, thì bị cả nhóm chê là chụp xấu và tuyên bố... tịch thu. Biết gặp phải những kẻ càn quấy, anh Hải đành “ngậm bồ hòn”, quay về mà không thu được đồng tiền nào.

Một lần khác, anh chụp ảnh cho 3 thanh niên trẻ, ăn mặc bảnh bao. Đến khi thanh toán, chúng thản nhiên rút chiếc kim tiêm chứa thứ nước lờ nhờ...ra trả, khiến anh cứng họng, không dám nói thêm câu nào. “Hy hữu mới gặp mấy vụ kiểu đó, thôi thì đành nhịn nhục để còn làm nghề dài dài, nuôi vợ nuôi con”- anh Hải tặc lưỡi.

Hằng ngày, vào khoảng 1 giờ khuya, phần giữa của cây cầu này được điều khiển cho quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông Hàn để mở đường cho tàu lớn đi qua.

Cầu Thuận Phước- mỗi cây cầu đều là một cảnh quan kiến trúc đẹp của TP.Đà Nẵng

Những người chụp ảnh dạo cuối cùng

Khoảng hơn tháng nay, kể từ ngày cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý được Đà Nẵng khánh thành, anh Hải lại một lần nữa chuyển vị trí chụp ảnh.

Cùng đứng đợi khách chụp ảnh ở đầu cầu Rồng với anh Hải, còn có khoảng hơn chục đồng nghiệp, cả nam lẫn nữ. Trang bị khá giống nhau, bao gồm: 1 chiếc xe máy, ba-ga đằng trước có gắn thùng đựng thiết bị nhiếp ảnh, phía đuôi xe gắn tấm bạt ghi mấy chữ: chụp ảnh 1 phút lấy ngay (hoặc chụp ảnh lấy ngay).

Chị Lê, một đồng nghiệp của anh Hải thêm vào câu chuyện: Mấy bữa nay chuyển sang cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý, cảnh mới nên có đông khách hơn, chứ mấy bữa trước đứng bên cầu quay cũng ít người chụp.

Quả thực nghề chụp ảnh dạo nói chung, ngày càng trở nên khó khăn, bởi hiện nay máy ảnh du lịch quá sẵn. Thậm chí ngay cả điện thoại di động giờ cũng có thể chụp những bức ảnh rất đẹp. Đang đứng nói chuyện với tôi, có nhóm thanh niên bên kia cầu vẫy chị Lê làm chị tất tả băng ngang đường. Tới nơi, hóa ra họ... nhờ chị chụp, bằng chiếc máy ảnh du lịch mang theo, để có một tấm hình đầy đủ cả nhóm. Chụp giúp xong, chị Lê lại lẳng lặng quay về.

Ngáp ruồi, đợi khách...
Sương gió đời thợ ảnh trên những cây cầu Đà thành ảnh 8
...và sẵn lòng chụp hình giúp khách.

Ngoài ra còn chưa kể, nếu thợ chụp ảnh không chịu đầu tư máy móc, chất lượng ảnh thậm chí còn thua xa những máy du lịch đời mới. Mà đầu tư thì cũng tốn ít nhất chừng 30 triệu đồng, một số tiền không nhỏ với những người lao động chân chất này.

Lúc này, thêm một thợ chụp ảnh tên Tuấn từ bên cầu Trần Thị Lý chạy sang. Tuấn còn trẻ, chừng dưới 30 tuổi, thế mà đã kịp “kinh qua” một loạt các tụ điểm chụp ảnh của Đà Nẵng như: bãi biển Mỹ Khê, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, bảo tàng điêu khắc Chămpa, công viên 29-3...trước khi tụ về đây.

Tuấn làu bàu cho biết, vừa bị hỏng thẻ nhớ, mất hết ảnh của khách chụp từ sáng. Hiện đang đợi kỹ thuật phòng Lap xử lý, may ra khôi phục được. Cầm chiếc thẻ nhớ mới anh Hải cho mượn, Tuấn kéo ga chiếc xe Dream phóng vụt đi, phơi nước da đen nhẻm dưới cái nắng gắt miền Trung. Bên cầu, gió sông Hàn thổi mạnh...