Sửng sốt trước thủ đoạn mới lôi kéo sinh viên bán hàng rong

ANTD.VN -Lấy danh nghĩa tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các khóa học về giải pháp việc làm… một vài cá nhân thông qua mạng xã hội đã sử dụng thủ đoạn lôi kéo hàng trăm sinh viên tham gia ký hợp đồng hợp tác trong thời hạn 5 năm với những lời hứa hẹn có cánh. Nhưng thực chất, những bạn sinh viên này đã bị dụ dỗ vào đường dây bán hàng rong không công trong thời gian dài…

“Học” giải pháp việc làm thực chất là bán hàng rong ?

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, bạn N.T.H (xin được giấu tên) – cựu sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội cho biết, đầu tháng 4-2016 qua mạng xã hội H biết có một đơn vị có văn phòng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội chuẩn bị thực hiện chương trình đền ơn đáp nghĩa, thắp nến tri ân nên đã chủ động đăng ký thông tin tham gia. Để chắc chắn tham dự, H phải đặt cọc 20.000 đồng cho công ty tổ chức sự kiện (một đơn vị chuyên về tư vấn đào tạo và thương mại) và được hứa hẹn số tiền này sẽ trả lại sau khi buổi lễ kết thúc, song hầu như không có sinh viên nào lấy lại được tiền.

Một số sinh viên bị lôi kéo đi bán hàng rong

Cũng theo H, đối tượng tham gia có khá nhiều sinh viên của Trường ĐH Thương mại, Công nghiệp, Văn hóa…. Lần đầu tiên đến trụ sở công ty này, hầu như sinh viên nào cũng được hỏi thăm, chia sẻ với những lời lẽ như “rót mật vào tai” của một người đàn ông trên 30 tuổi tên V.Đ. D – người tự xưng là “thầy”,  CEO của công ty. Đến tháng 10-2016, H trở thành thành viên chính thức, được tham gia khóa học về giải pháp việc làm rồi “trải nghiệm thực tế” nhưng thực chất là gia nhập vào đội quân bán hàng rong với sản phẩm chủ yếu là bỏng ngô, bưu thiếp tự làm...

Chi phí để làm nên mỗi tấm thiệp này chỉ là mấy trăm đồng nhưng bán với giá 20.000 đồng/1 tấm thiệp, gói bỏng ngô vài nghìn đồng cũng được bán với giá từ 20-30.000 đồng/gói. Thông thường mỗi sinh viên sẽ đi bán hàng ngoài giờ học (buổi trưa, tối), lân la ở các quán ăn, quán bia, quán cà phê vỉa hè mời chào khách…

 “Nhằm “mê hoặc” các sinh viên, hàng ngày, hàng tuần “thầy” D đều có màn diễn thuyết, kích năng lượng bằng cách hô khẩu hiệu tập thể như “Tôi sẽ chiến thắng”, “Tôi sẽ hoàn thành mục tiêu”… để mỗi cá nhân tự đưa ra những doanh số bán hàng trong mơ rồi tìm mọi cách để đạt được doanh số đó. Thực tế đã có không ít bạn vì mê muội, muốn được “thầy’ khen ngợi đã đưa ra chỉ tiêu quá cao như 1-2 triệu đồng tiền bán hàng/3 ngày, thậm chí hàng 30-40 triệu đồng/tháng song không thể đạt được nên phải mang tiền học phí, tiền ăn, tiền thuê nhà bố mẹ cho để bù vào số còn thiếu” – H chia sẻ.

Những cái bánh vẽ

Trung bình mỗi tháng, doanh số bán hàng của mỗi sinh viên đạt được từ 6-30 triệu đồng tùy theo thời gian làm việc và khả năng của mỗi người, song hầu hết số tiền này sinh viên phải nộp lại cho công ty, mỗi người chỉ được hỗ trợ 200.000 đồng tiền xăng xe và 10% doanh số bán được sau khi đã trừ mọi chi phí nên gần như đi làm không công. Sau một thời gian làm việc, không ít bạn nhận ra điều này nhưng không dám nghỉ việc, một phần vì bị đe dọa sẽ gọi người thân trong gia đình lên làm việc, một phần vì lo sợ phải nộp tiền phạt ghi trong hợp đồng là 100 triệu đồng do nghỉ trước thời hạn (5 năm).

Doanh số bán hàng của một sinh viên báo cáo "thầy" qua mạng xã hội

“Hầu hết sinh viên khi ký hợp đồng đều không đọc kỹ các điều khoản ghi trong đó. Chỉ đến khi không chịu nổi áp lực công việc do bị bóc lột quá mức, em và một số bạn muốn nghỉ việc thì mới tá hỏa khi người đại diện công ty đưa hợp đồng ra dọa phạt. Bên cạnh đó, mặc dù công ty này quảng cáo có tổ chức những khóa học miễn phí  như “thuyết trình siêu tự tin” nhưng thực chất lại thu nhiều khoản phí khác như phí văn phòng, thẻ, sách, quỹ lớp, khoản phạt đi học muộn…Mặt khác, để lôi kéo đông đảo sinh viên, công ty luôn treo phần thưởng  như những người bán hàng tốt nhất, doanh thu cao nhất sẽ được đi du lịch, được tặng khóa học sinh trắc vân tay, có nhà ở Hà Nội, hưởng tới 49% lợi nhuận..., một vài cá nhân đã xuất sắc đạt được nhưng phần thưởng này vẫn chỉ là bánh vẽ” – H thở dài.

Tận mắt xem bản hợp đồng do H cung cấp, chúng tôi thấy trong đó có nhiều điều khoản chung chung, thiếu rõ ràng và bất lợi đối với các sinh viên. Hợp đồng này quy định, trong thời hạn 5 năm, trong đó bên A có trách nhiệm huấn luyện và đào tạo kỹ năng cho bên B. Bên B ngoài tuân thủ nội quy, quy định của công ty còn phải có trách nhiệm  triển khai và bán các sản phẩm do bên A cung cấp, không tự ý kinh doanh các sản phẩm bên A đang phát triển, tránh gây mâu thuẫn mất đoàn kết, giữ gìn bí mật kinh doanh tuyệt đối không cho người có thẩm quyền biết... Nếu bên B vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên A thì bên B chịu phạt vi phạm 100 triệu đồng phí đào tạo huấn luyện. Nếu bên B kết thúc hợp đồng trước thời hạn ngoài chịu phạt phí đào tạo thì bên B sẽ mất toàn bộ các quyền lợi được hưởng tại công ty…

Tuy vậy, theo H, sau 1 năm lang thang bán hàng rong trên khắp các hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội, cũng như nhiều sinh viên khác, H mới nhận ra rằng, em không  những không được trả lương xứng đáng mà còn không được đào tạo bất kỳ kỹ năng gì. Thứ em nhận được có chăng chỉ là khuôn mặt xơ xác, đen sạm bởi bụi đường và kết quả học tập sa sút cùng những lời hăm dọa mỗi khi có ý định nghỉ việc. Cái mục tiêu đẹp đẽ được ghi trong “ Hợp đồng hợp tác kinh doanh” được ký giữa hai bên là “cùng nhau hợp tác phát triển các sản phẩm trí tuệ, các khóa đào tạo, các sản phẩm kinh doanh” thực chất chỉ là việc lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của sinh viên nhằm lôi kéo các em vào đường dây bán hàng rong để trục lợi của một số cá nhân…