Sức sống từ những "đôi tay vàng"

ANTĐ - Hà Nội - nơi hội tụ tinh hoa của vùng đồng bằng Bắc bộ, được mệnh danh là “đất trăm nghề” với bề dày lịch sử trải dài qua nhiều thế kỷ. Trong những nghề đã thành thương hiệu của đất Kinh kỳ như làm tranh Hàng Trống, gốm Bát Tràng, đúc đồng Ngũ Xã, hiện còn ghi dấu tên tuổi của những nghệ nhân nổi tiếng mà không ít người trong số họ đã trở thành những “đôi tay vàng” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.  

Truyền nhân của tranh Hàng Trống

Nhắc đến tranh dân gian Việt Nam, không thể không nói tới hai dòng tranh nổi tiếng là tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ. Trong khi tranh Đông Hồ là niềm tự hào của vùng đất Kinh Bắc thì tranh Hàng Trống cũng nức tiếng đất Hà thành. Người nắm giữ những tuyệt kỹ của dòng tranh này và cũng được coi là truyền nhân cuối cùng của tranh Hàng Trống là nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Tiếp xúc với dòng tranh dân gian từ năm lên 10 tuổi, ông Lê Đình Nghiên sớm bộc lộ sự tài hoa, khéo léo. Ông là người con duy nhất trong gia đình 7 anh em kế tục sự nghiệp của cha và giữ nghề cho đến bây giờ.

 Tranh Hàng Trống là sự kết hợp giữa kỹ thuật nửa in, nửa vẽ trên chất liệu giấy dó. Sau khi dùng ván in lấy hình sẽ trải qua công đoạn tô màu (bằng màu nước, bột màu…) rồi đến bồi tranh. Đây cũng là công đoạn khó nhất và là bí quyết ít người có khả năng làm được. Các bức vẽ được bồi từ 3 lớp, có bức lên tới 7, 8 lớp, có thể để được trăm năm mà màu vẫn tươi, giấy vẫn tốt.

Tranh Hàng Trống nổi tiếng với các tác phẩm “Lý Ngư vọng nguyệt”, “Ngũ Hổ”, “Tứ quý”, “Tứ bình”… và cả những bức tranh nhiều hồi trích từ các tác phẩm như “Truyện Kiều”, “Tam quốc”, tuồng “Sơn Hậu”… Tranh đều làm thủ công, nhiều bức mang tính độc bản mà hiện giờ không ai có thể khôi phục được. Với những đóng góp trong việc giữ gìn và bảo tồn dòng tranh dân gian đặc sắc này, năm 2004, nghệ nhân Lê Đình Nghiên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Hiện, nghề tranh dân gian Hàng Trống đang được con trai ông là Lê Hoàn kế tục.

Người giữ hồn gốm cổ

Đến với làng nghề nổi tiếng bậc nhất Hà Nội, không ai là không biết tới cái tên Trần Độ, người được mệnh danh là “vua men gốm cổ Bát Tràng”. Sinh năm 1957, là thế hệ thứ 18 của dòng họ Trần theo nghiệp gốm, Trần Độ định hình cho mình một lối đi gian nan và đầy thử thách đối với ngay cả người thợ đã vững tay nghề, đó là phục chế những loại men cổ.

Trước cơn lốc thương mại hóa, khi các sản phẩm gốm được sản xuất ồ ạt, với vô số mẫu mã chủng loại ít nhiều mang tính lai tạp, ông vẫn quyết tâm tìm bằng được công thức men gốm cổ. Trên cơ sở men ngọc - ông đã tìm ra công thức của men nâu, men lam, men chảy, men đá, men rạn… phục chế hàng trăm sản phẩm gốm cổ có từ thời Lý - Trần - Lê.

Sản phẩm gốm của nghệ nhân Trần Độ không chỉ nổi tiếng trong nước, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…, có mặt trong những sự kiện lớn như Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà còn được đặt làm tặng phẩm cho các phái đoàn ngoại giao. Lò gốm của ông cũng vinh dự nhiều lần được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tham quan. Gốm của Trần Độ vừa mang đường nét đột phá, cách tân, nhưng vẫn giữ hồn dân tộc đậm đà, góp phần tạo nên thương hiệu đặc trưng của gốm sứ Bát Tràng.  

Cả đời theo nghiệp đúc đồng 

Nghề đúc đồng Ngũ Xã có từ thế kỷ XVII, góp mặt trong “tứ nghề tinh hoa” của Thăng Long - Hà Nội. Vào thời kỳ hưng thịnh, những sản phẩm của làng Ngũ Xã đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế, sinh hoạt, văn hóa tâm linh của người dân Hà thành và cả nước. Qua thời gian, nhiều người dân làng bỏ nghề chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại một dòng họ còn giữ lấy nghề đó là gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng. Nổi tiếng là một trong những người dựng tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công nhất, những tác phẩm của Nguyễn Văn Ứng đạt đến độ chuẩn mực về đường nét, hình khối, từng chi tiết trên khuôn mặt, vóc dáng đều được dụng công tỉ mỉ, tinh tế, toát ra được cái hồn, thần thái khiến ai xem cũng phải trầm trồ, kinh ngạc.

Những bức tượng Bác do chính tay ông thực hiện đang được đặt trang trọng tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam… Không chỉ trong mảng chân dung, sản phẩm đúc đồng mang thương hiệu Ngũ Xã của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, từ những đồ thờ cúng như: tượng, chuông, bát hương, đỉnh, đèn nến… cho đến các đồ dùng trong gia đình đều rất được ưa chuộng với chất lượng tốt và độ tinh xảo cao.

Ông Ứng cũng là người nắm giữ những bí quyết độc đáo của nghề đúc đồng, trong đó mọi quy trình làm ra tác phẩm hoàn thiện, từ làm khuôn, nấu, rót đồng cho đến chạm khắc, tất cả đều tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt. Hiện ông đã gây dựng được xưởng đúc đồng với hơn 30 thợ lành nghề, với sản phẩm đa dạng, phong phú được xuất đi nhiều địa phương trong cả nước và cả thế giới. Những nỗ lực của ông Nguyễn Văn Ứng đã tiếp lửa cho nghề đúc đồng Ngũ Xã - một trong những thương hiệu của ngành thủ công mỹ nghệ mà người dân Thăng Long - Hà Nội xưa đã dày công gây dựng đang đứng trước nguy cơ mai một dần.