Sức sống bền bỉ của báo in trong kỷ nguyên kỹ thuật số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong kỷ nguyên kỹ thuật số với điện thoại di động và mạng xã hội thống trị, tại sao mọi người vẫn muốn đọc báo in? Nhiều nghiên cứu cho thấy, báo in vẫn tồn tại ngay cả trong thời kỳ nhiều phương tiện truyền thông mới lên ngôi. Hiểu được điều này các tòa soạn báo có thêm động lực để phát huy giá trị của loại hình truyền thông này.
Nhà báo Hải Yến

Nhà báo Hải Yến

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Thế giới có thể mở cửa trở lại với việc mọi người được tiêm vaccine Covid-19 và vẫn thực hiện giãn cách nhưng đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua thực sự khiến nghề báo gặp nhiều xáo trộn. Paul Wilcoxen (41 tuổi), biên tập viên của The Mount Vernon Democrat ở vùng Vernon, bang Indiana được thông báo rằng, tòa soạn ra ấn bản cuối cùng vào ngày 24-6-2021, kết thúc 153 năm lịch sử phát hành tờ báo. Từ tháng 10-2020, Wilcoxen đã nhiễm Covid-19 từ vợ anh, vốn làm việc trong một viện dưỡng lão. Anh cũng mắc bệnh viêm phổi và phải nằm viện 6 ngày. Sau khi nhập viện 3-4 tuần, Wilcoxen kiệt sức đến mức không thể tự làm được gì. Anh đang vật lộn với việc mất việc làm. Nhưng 20 năm trong sự nghiệp làm báo, lần đầu tiên anh cảm thấy không có động lực và cần ưu tiên cho sức khỏe của mình hơn.

Rich Jackson là biên tập viên điều hành cấp cao của The Herald Times ở Bloomington nhưng đột ngột mất việc khi tờ báo buộc phải cắt giảm 300 triệu USD cho toàn bộ chi phí do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì đại dịch, không có sự kiện công cộng lớn nào được tổ chức, thông tin chủ yếu là đại dịch và tòa soạn hầu như không có doanh thu từ tiền quảng cáo. “Khi được thông báo rằng phải rời đi, tôi đã có một số tiền tiết kiệm và một khoản thanh toán nhỏ từ công ty. Tôi biết sẽ mất nhiều thời gian để tìm được việc làm và cần phải sống tằn tiện nhất, nhưng ảnh hưởng về tâm lý còn kéo dài sau khi thôi việc”.

2 năm trước, bang Indiana của Mỹ có 70 tờ nhật báo. Hiện giờ, con số này chỉ còn dưới 50 tờ, và trong năm ngoái, 13 tờ báo phát hành trả phí trong tiểu bang đã đóng cửa. Trên toàn nước Mỹ, các tờ báo cộng đồng nhỏ đang bị buộc phải đóng cửa vì vô số lý do. Theo nghiên cứu của Press Gazette công bố tháng 4-2021, tờ USA Today - với số lượng phát hành lớn nhất nước Mỹ đã mất hơn một nửa doanh số do cuộc khủng hoảng Covid-19 năm ngoái. USA Today đã bị giảm kỷ lục, tới 60% số lượng phát hành sau khi nước Mỹ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc để phòng chống đại dịch. Những gương mặt gạo cội khác như Wall Street Journal, New York Times, Washington Post, Los Angeles Times và New York Post cũng giảm từ 10-15%. Trung bình, 10 tờ báo lớn nhất ở Mỹ đã chứng kiến lượng phát hành giảm 20% trong 6 tháng tính đến tháng 9-2020.

“Khủng hoảng kép” trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Trên toàn cầu, doanh thu từ quảng cáo của báo in đã giảm dần kể từ năm 2008. Khi các nhà quảng cáo chuyển ngân sách sang các kênh kỹ thuật số. Ngày nay, 4 công ty lớn là YouTube, Google, Facebook và Snap đã chiếm 35% tổng chi tiêu cho quảng cáo truyền thông toàn cầu, theo dữ liệu từ eMarketer. Ngược lại, tỷ trọng chi tiêu của truyền thông truyền thống trên toàn cầu đã giảm từ 81% vào năm 2011 xuống còn 44% vào năm 2021.

Nhiều người thích đọc báo hoặc đọc tạp chí vào buổi sáng, cập nhật thông tin mới nhất từ khắp nơi trên thế giới để theo dõi thị trường, đời sống xã hội, thể thao… Có người thích tin tức kỹ thuật số hơn là báo in do tính tiện lợi, thân thiện với môi trường và thực tế là nó thường miễn phí hoặc rất rẻ. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, tốc độ lan truyền cũng rất đáng chú ý. Người ta có thể chia sẻ một dòng tin tức hay một bài đăng gần như ngay tại thời điểm sự kiện đang diễn ra. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin khi tin tức lan truyền siêu nhanh, các nhà báo càng không có thời gian để nghiên cứu và phát triển câu chuyện riêng của họ.

Một nghiên cứu năm 2018 của 3 học giả Viện Công nghệ Massachusetts đã phát hiện ra rằng tin tức giả mạo lan truyền trên Twitter nhanh hơn nhiều so với những câu chuyện có thật. Theo đó, những câu chuyện tin tức sai lệch có khả năng được đăng lại hay chia sẻ cao hơn 70% so với những câu chuyện có thật. Xu hướng tai tiếng, thái quá và kinh dị khiến sự gia tăng của tin tức giả mạo và nội dung thù địch hay bạo lực trên các nền tảng này trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Và trong cuộc cạnh tranh này, người ta nhận ra vai trò quan trọng của báo chí - đó là sự thật.

Truyền thông kỹ thuật số là xu hướng không thể đảo ngược nhưng vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn báo in

Truyền thông kỹ thuật số là xu hướng không thể đảo ngược nhưng vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn báo in

Sức sống bền bỉ của báo in

Nhưng tại sao có người vẫn muốn đọc báo in? “Đó chỉ là một trải nghiệm khác biệt” - bà Mary Ann Crayton, một độc giả cuồng nhiệt của tờ The Chesterton Tribune trước khi tờ báo đóng cửa vào tháng 12-2020 cho biết - “Trước hết, rất nhiều người lớn tuổi như tôi, tôi 78 tuổi, sẽ không xem báo trực tuyến. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ có một số lượng lớn người, như cả một thế hệ, sẽ hoàn toàn bị mất tin tức cộng đồng khi không có báo in”. Với bà Mary Ann Crayton, việc đưa tin tức lên mạng vẫn có hiệu quả nhưng đơn giản bà là kiểu người chỉ thích đọc bán in. “Thói quen ra hộp thư mỗi chiều để lấy báo thực sự rất tuyệt” - bà Crayton nói.

Một nghiên cứu mới trên Tạp chí New Media & Society - liên quan đến các cuộc phỏng vấn với 488 người tiêu dùng tin tức ở Argentina, Phần Lan, Israel, Nhật Bản và Mỹ cho thấy rằng, các nghiên cứu về truyền thông thường nhấn mạnh “lấy truyền thông làm trung tâm” nhưng cách mọi người trải nghiệm hàng ngày từ các phương tiện truyền thông cũng là yếu tố cần chú ý.

Nghiên cứu chỉ ra giai thoại về 2 người đàn ông, một ở Argentina và người còn lại ở Phần Lan. Họ có điểm tương đồng là thường xuyên mua báo in, nhưng không thực sự để đọc tin tức mà để nhóm lửa nướng thịt (ở Argentina) hoặc làm ấm bếp xông hơi bằng củi (ở Phần Lan). Ở khía cạnh này, tờ báo gắn với các hoạt động phi tin tức. Tương tự, ở nhiều nơi, việc tiếp cận với báo in gắn với thói quen, lứa tuổi, truyền thống gia đình, văn hóa quốc gia…

Trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây về những người tiêu dùng tin tức, lấy mẫu 225 người, 17,8% số người từ 18 đến 80 tuổi cho biết họ thích phiên bản in của giấy hơn là bản kỹ thuật số. Tỷ lệ đó tăng lên 40,5% ở những người trên 40 tuổi. Lý do là báo in thân thiện với người dùng hơn, dễ đọc và kể cả cắt bỏ các mẩu tin tức làm vật kỷ niệm hay sử dụng giấy báo vào việc khác.

“Nếu một tờ báo ra đi, bạn sẽ mất lịch sử được ghi lại. Trong một trăm năm nữa, sẽ không ai biết chuyện gì đã xảy ra ngày hôm nay. Mỗi nhà sử học mà tôi biết, điều đầu tiên họ làm là kiểm tra nhật báo khi họ muốn xem thời đó như thế nào”, Rich Jackson nói. May mắn thay, Jackson sau khi bị cho nghỉ việc hiện là Tổng Giám đốc và biên tập viên của 2 tuần báo nhỏ ở phía Bắc Wisconsin, gần quê hương ông - “Dù khó khăn đến mức nào, tôi nghĩ mọi người đều cần thông tin chính xác, kịp thời hơn bao giờ hết”.

“Các ấn bản báo in là một nguồn tài liệu lịch sử, hữu hình, cung cấp cái nhìn sâu sắc và hiểu biết về của nhà báo ở một thời đại nào đó. Nếu để mất báo in nói chung, chúng ta sẽ mất một phần lớn và quan trọng của lịch sử. Bên cạnh đó, nhà báo là tiếng nói của nhân dân, nếu báo chí không có mặt để kể những câu chuyện của họ, ai sẽ lắng nghe họ đây? Ngoài ra, khi châu Âu đã thông qua luật cho phép xóa các bài báo trực tuyến theo khái niệm “quyền được lãng quên”, báo in lại càng có sức nặng hơn bao giờ hết”.

Mia Rodriguez (Tổng Biên tập The Reflector - tờ báo của Đại học bang Mississippi, Mỹ)