Sức nóng của vấn đề Biển Đông

ANTD.VN - Dù năm nay ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại và trước đó Bắc Kinh tuyên bố muốn “loại bỏ sự can thiệp” của các quốc gia ngoài khu vực ở Biển Đông, thì chủ đề Biển Đông vẫn được nhắc tới nhiều tại Hội nghị cấp cao ASEAN 28 - 29 và các hội nghị liên quan. 

Sức nóng của vấn đề Biển Đông ảnh 1Ảnh do Philippines công bố cho thấy tàu Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough

Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị cấp cao 28 - 29 có một phần riêng về Biển Đông. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra, đồng thời ghi nhận quan ngại của một số Bộ trưởng về việc tôn tạo, bồi đắp và sự gia tăng các hành động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Vấn đề Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 28 - 29 và các hội nghị liên quan lần này tại Lào bởi những diễn biến khó lường và phức tạp, thậm chí cả trên thực địa. Hôm 7-9 vừa rồi, vài giờ trước khi các lãnh đạo Đông Nam Á gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Philippines đã cho công bố hình ảnh chứng minh tàu Trung Quốc đang chuẩn bị các hoạt động xây dựng tại bãi cạn Scarborough vốn đang tranh chấp.

Mặc dù Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngay sau đó khẳng định Trung Quốc không có hành động nào làm thay đổi hiện trạng bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, nhưng theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, các tàu Trung Quốc ở Scarborough có khả năng hút cát và thực hiện các hoạt động khác để xây đảo nhân tạo.

Có lẽ trong bối cảnh đó nên có nhiều tuyên bố đưa ra tại hội nghị bày tỏ sự lo ngại về tình hình trên Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN + 3, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe và người đồng cấp Australia M. Turnbull đã tái khẳng định lập trường chung của hai nước xung quanh những căng thẳng về lãnh thổ tại Biển Đông, trong đó gián tiếp kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài ở La Hay (Hà Lan) bác bỏ yêu sách vô căn cứ của Bắc Kinh về chủ quyền tại hầu hết vùng Biển Đông. 

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ B. Obama ngày 8-9 cũng cảnh báo rằng, phán quyết của Tòa trọng tài khẳng định các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, là mang tính “ràng buộc”, mặc dù trước đó Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phán quyết này.

Những tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông quan đàm phán trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế giữa các bên liên quan đến tranh chấp. Theo hướng đó, trong Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị cấp cao 28 - 29, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định sự cần thiết tăng cường lòng tin, kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc tôn tạo, bồi đắp, có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. 

Đi vào các biện pháp cụ thể, các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi tất cả các bên khẩn trương làm việc nhằm sớm đạt được một Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên (COC) hữu hiệu ở Biển Đông, trong đó bao gồm việc gia tăng tần suất họp ở cấp Quan chức cao cấp và Nhóm Công tác chung ASEAN - Trung Quốc về Thực hiện DOC; nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường nỗ lực nhằm đạt được tiến triển thực chất trong việc thực hiện đầy đủ DOC cũng như trong đàm phán thực chất để sớm thông qua COC, trong đó có việc sớm thông qua tài liệu cấu trúc COC và khung thời gian đạt được COC. Chỉ theo hướng đó, Biển Đông mới có thể “hạ nhiệt”.