Sức mua trong dân đang quá yếu

ANTĐ - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước giảm 0,19% so với tháng 2-2013 là hợp quy luật giá cả hàng năm. Nhưng trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế, con số này lại hàm chứa nhiều nỗi lo.

Tổng cục Thống kê cho biết, CPI cả nước trong tháng 3-2013 giảm 0,19% so với tháng 2. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - vốn chiếm quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI - có mức giảm 0,53%. Hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều giảm giá so với tháng trước, chỉ có thiết bị, đồ dùng gia đình tăng nhẹ (0,23%); tiếp đến là may mặc, mũ nón giày dép (0,18%)… Theo Tổng cục Thống kê, kết quả này được coi là phản ánh đúng quy luật “đàn hồi” của mặt bằng giá cả sau tháng Tết Nguyên đán. So với tháng 12-2012, CPI cả nước tháng 3-2013 đã tăng 2,39%.

Phân tích sâu vào từng nhóm hàng, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú cho biết, dường như có “nhầm lẫn” trong thống kê CPI. Bởi vì, mặt bằng giá trên thị trường trong tháng qua ít có sự chuyển dịch. Cụ thể, ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chỉ có mặt hàng rau xanh giảm giá, trong khi giá thịt lợn, thịt bò vẫn giữ nguyên như sau Tết. Thịt bò từ 270.000-280.000 đồng/kg, thịt nạc thăn, nạc vai 95.000 đồng/kg, sườn 95.000 đồng/kg... Trong các siêu thị, giá cả vẫn giữ như sau Tết. Trong khi đó, ăn uống ngoài gia đình có xu hướng tăng nhẹ ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, có mặt hàng như sữa bột cũng tăng giá liên tiếp với mức cao trong tháng 3... Mặt khác, các nhóm hàng như: may mặc, mũ nón, giày dép hay đồ dùng gia đình đều có chỉ số giá tăng nhẹ. “CPI chưa đại diện được cho thực tế” - ông Phú nhận xét.

Cùng chung nhận định này, các chuyên gia kinh tế cho hay, trước việc sức mua giảm sút, nhiều người kinh doanh có tâm lý tăng giá cao hơn để bù lại phần lượng giảm. Thực tế này khiến giá cả thị trường vừa thiếu kiểm soát, vừa tăng mà cơ quan chức năng ít phát hiện ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc CPI tăng hay giảm ở thời điểm này không phải là vấn đề đáng lưu tâm nhất mà thực tế sức mua trong nhân dân đang quá yếu mới cần phải quan tâm. Đời sống khó khăn, người dân không còn tiền để chi tiêu kể cả với những mặt hàng thiết yếu. Điều này chứng tỏ đầu ra của các doanh nghiệp đang bế tắc, hàng tồn kho cao. Và như vậy, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục ngừng, giảm sản xuất. Trong bối cảnh này, cần có biện pháp kích cầu trong nhân dân. Ông Vũ Vinh Phú gợi ý, có thể kích cầu bằng việc tăng lương cho cán bộ, nhân viên, công nhân, tạo thêm việc làm, giảm giá cả với niêm yết giá rõ ràng để lấy lại niềm tin của người mua.