Sức mua tăng mạnh, giá vẫn ổn định

ANTĐ - Đã chính thức bước vào thời kỳ cao điểm mua sắm của dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi nên sức mua tăng lên đáng kể. Do hàng hóa dồi dào nên hiện tại, nhiều mặt hàng tiêu dùng dịp Tết vẫn giữ giá ổn định.

Sức mua tăng mạnh, giá vẫn ổn định ảnh 1Hàng Tết dồi dào, giá cả ổn định

Sức mua tăng gấp 3 lần

Ông Nguyễn Thái Dũng- Phó Tổng Giám đốc Big C cho biết, sức mua tại siêu thị này đã tăng gấp 3 lần ngày thường. “Thị trường tiêu dùng ấm hơn năm ngoái rất nhiều. Năm ngoái, cách Tết một tuần nhưng sức mua vẫn rất èo uột. Năm nay, từ sau ngày Rằm tháng Chạp, khách đến siêu thị đã tăng cao”- đại diện Big C nói. Dự kiến, cả dịp Tết này, sức mua sẽ tăng khoảng 15% so với Tết năm ngoái. Thực tế, ngay từ đầu giờ mở cửa buổi sáng của Big C Thăng Long, bãi gửi xe máy tại tầng 1 đã gần kín. Nhiều khách hàng tranh thủ đi sớm đã chọn mua xong, đẩy xe đầy hàng ra ngoài. Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, thị trường đang “ấm’ lên, tiêu thụ khả quan. Ngoài việc đưa hàng vào các siêu thị, doanh nghiệp này còn tham gia các chuyến bán hàng Tết về nông thôn để mở rộng mạng lưới phân phối, tổ chức gian hàng tại một số tuyến phố. “Nhu cầu mua sắm bánh kẹo của người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn còn cao. Tham gia đưa hàng về đây, chúng tôi vừa có cơ hội quảng bá thương hiệu, vừa mở rộng được phạm vi phân phối. Giá cả cũng rất phải chăng” - đại diện doanh nghiệp này nói.

Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua sắm cũng rất nhộn nhịp. Tất bật chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo, từ sáng sớm, chị Nguyễn Thu Phương (Lý Nam Đế - quận Hoàn Kiếm) đã ra chợ Hàng Bè mua thực phẩm. Chị Phương chia sẻ: “Phải ra chợ sớm mới chọn được đồ ngon về thắp hương. Tết đến rồi, ai cũng phải tranh thủ sắm sửa mới kịp”. Tại chợ Thành Công, thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt lợn, thịt bò và một số thực phẩm chế biến như giò, chả, bánh chưng bán rất chạy. 

Giới kinh doanh cho hay, từ nay đến cuối tuần mới là dịp cao điểm mua sắm. Đến ngày 29,30 Tết, lượng khách hàng sẽ giảm xuống. So với lượng hàng Sở Công Thương yêu cầu dự trữ tăng từ 18-20% so Tết năm ngoái, nguồn hàng đủ để đáp ứng nhu cầu, không lo thiếu hoặc dư thừa nhiều. 

Giá hàng Tết ổn định

Theo chị Phương, mặc dù sáng qua (22 tháng Chạp Âm lịch), người mua đông đúc nhưng giá các mặt hàng vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, gà ta luộc chín dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/con; giò sống 15.000 đồng/lạng; bánh chưng 40.000 - 50.000 đồng/cái; chim câu quay 120.000 đồng/kg. “Giá chưa tăng, vẫn như ngày thường. Nhưng trong các đồ sắm lễ, canh măng, miến và canh bóng khá đắt. 100.000 đồng/bát mà lèo tèo vài miếng” - chị Phương cho hay.

Với thực phẩm tươi sống, mặc dù nhu cầu tăng cao nhưng giá vẫn chưa tăng. Sườn lợn 95.000 đồng/kg; thăn lợn, mông lợn 95.000 đồng/kg; ba chỉ 90.000 đồng/kg; gà ta lông 150.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương kinh doanh hàng tươi sống, người bán không dám tăng giá vì sức mua vừa nhích lên, nếu tăng giá ngay thì người dân sẽ mua ít đi. 

Hiện nay, giá một số loại hoa quả, hàng mã cúng ông Công ông Táo cũng khá rẻ. Lê 30.000 đồng/kg; táo 30.000 đồng/kg; hồng xiêm và ổi cũng có mức giá tương đương. Thường bị sốt giá dịp Tết nhưng hiện tại, chuối xanh vẫn giữ giá trung bình 30.000 - 45.000 đồng/nải. Nhiều nơi, bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo được hạ giá trước ngày chính lễ. Từ 30.000 -35.000 đồng/bộ, không ít người bán tự giảm 5.000 đồng/bộ cho khách.

Đáng chú ý, trong cơ cấu hàng Tết năm nay, hàng Việt chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối. Tại siêu thị Big C, ở nhóm hàng bánh kẹo, quần áo, thực phẩm tươi sống, hàng Việt Nam chiếm 100%. Hàng ngoại chỉ có lượng nhỏ ở nhóm hàng rượu, sản phẩm sữa, thịt nguội… Tại các trung tâm bán hàng Việt  phục vụ Tết Nguyên đán, chợ Tết về nông thôn, hàng Việt cũng chiếm tỷ lệ tuyệt đối. Sở dĩ hàng Việt Nam bán chạy dịp Tết này là do giá bán hợp lý trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, chất lượng cũng đáp ứng được yêu cầu.