Sức mua tại chợ giảm mạnh sau khi Hà Nội có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên

ANTD.VN - Sức mua giảm mạnh tại các chợ từ khi Hà Nội có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên. Người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online hoặc mua hàng tại các siêu thị lớn.

Hàng hóa tại các siêu thị rất dồi dào

Trái ngược với tình trạng hết hàng cục bộ tại một số địa phương do người dân lo lắng dịch Covid-19 bùng phát, gom hàng, tích trữ cách đây khoảng 1 tuần, hiện nay, hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu rất dồi dào, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Tại Hà Nội, các doanh nghiệp bán lẻ lớn dự trữ hàng hóa tăng 30-40% so với ngày thường, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội.

Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.opmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30%, huy động tăng các cán bộ đi phục vụ 100%. Hệ thống siêu thị Big C lượng hàng tăng từ 30-40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối; Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng TMĐT để phục nhu cầu nhân dân khi phòng chống dịch.

Tại các chợ dân sinh, do nhu cầu mua sắm giảm nên lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ giảm 50 - 70%, doanh thu giảm 50 - 80% so với thời điểm không có dịch. Doanh thu tại chợ Đồng Xuân giảm 60-80%, nhiều kiot đóng cửa, nguồn hàng về chợ gặp khó khăn.

Thực tế cho thấy, tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống, sức mua giảm mạnh, một phần do trước đó người dân đã tích trữ nhiều thực phẩm, chưa sử dụng hết; một phần do người dân lo ngại lây lan dịch bệnh nên đẩy mạnh mua sắm online. Theo đại diện Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt, hiện nay, lượng đặt hàng qua sàn thương mại thực phẩm online tăng đột biến.

Bộ Công Thương cho biết, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo đó, mặt hàng lương thực ước tính sản lượng thóc năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn, còn dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.

Đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Mặt hàng rau quả cung dự kiến đạt sản lượng 17,18 triệu tấn (tăng hơn 100 nghìn tấn so với năm 2019).

Ngoài ra, mặt hàng đường, giấy, thuốc chữa bệnh đều đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định: “Năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh”.