Sức mua hàng bình ổn rất thấp

ANTĐ - Hội nghị sơ kết chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và phương hướng triển khai năm 2013 ngày 29-5 do Bộ Công Thương tổ chức đã đánh giá, sức mua hàng bình ổn tại nhiều nơi còn rất thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng lo ngại tham gia bình ổn giá sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Nhà nước hỗ trợ vốn ít, khó hy vọng hàng bình ổn giá bán nhiều trên thị trường?

Vẫn bình ổn trong siêu thị

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hàng hóa được thực hiện bình ổn mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường. Lượng mặt hàng bình ổn còn hạn hẹp. Số các điểm bán hàng tuy tiếp tục được mở rộng nhưng phân bố chưa đồng đều, tập trung chủ yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, trong khi tại khu vực nông thôn, chợ truyền thống còn mỏng nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Nhiều tiểu thương ngại bán hàng bình ổn thị trường vì lợi nhuận và chiết khấu thấp. 

Đồng tình với đánh giá này, ông Châu Minh Nguyện - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai nêu thực tế: “Nguồn hàng chưa được các đơn vị khai thác hết, mặt hàng chưa phong phú nên hiệu quả kinh doanh chưa đạt theo yêu cầu. Một số đơn vị lo ngại bán theo giá bình ổn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, một số điểm bán sức mua mặt hàng bình ổn rất thấp”. 

Ông Nguyễn Hữu Thắng- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) lo ngại, khi giá cả các mặt hàng ngoài thị trường tăng cao, khả năng tiếp cận nguồn hàng theo yêu cầu rất khó khăn, đặc biệt với hàng tươi sống. “Không mua hàng từ trước thì khi giá cao không có hàng để bán, nhưng mua hàng rồi khi thị trường xuống giá, hàng bình ổn lại bán cao hơn, gây dư luận xấu trong xã hội”- ông Nguyễn Hữu Thắng nói. Bên cạnh đó, tình trạng người dân tranh thủ gom hàng bình ổn để đầu cơ cũng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. 

Tuy nhiên, bà Bùi Hạnh Thu - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op cho hay, doanh thu từ hàng bình ổn giá tại hệ thống siêu thị này tăng gấp 3 lần so với các mặt hàng khác. Đặc biệt, nhóm hàng tươi sống doanh số “nhảy” lên. “Người dân  tin tưởng vào chương trình bình ổn, đặc biệt là điểm bán hàng nên việc tăng doanh thu là tất yếu. Sài Gòn Co.op bán trên 100 tấn thịt/ngày, có ngày tăng gấp 2-3 lần; rau củ quả ngày thường bán ra 2.000 tấn, ngày Tết thực hiện bình ổn giá bán được 4.000-5.000 tấn/ngày”- bà Bùi Hạnh Thu cho hay.

Liên kết sản xuất -  phân phối

Để giải quyết khó khăn trên, ông Nguyễn Hữu Thắng đề xuất, cần có chương trình đầu tư dài hơi về quy hoạch, bảo quản hàng hóa, dự trữ nguồn hàng. Trong đó, sự hỗ trợ của sở công thương các địa phương có vai trò quan trọng nhằm tiếp cận nguồn hàng và phát triển hệ thống phân phối. 

Cùng chung quan điểm này, ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho rằng: “Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội không tự chăn nuôi hay sản xuất ra sản phẩm nên cần liên kết chuỗi sản xuất và huy động nguồn lực xã hội, kích thích sản xuất ở vùng nông thôn và vùng ven”. Trên thực tế, Công ty Vissan đã phải chủ động liên kết chăn nuôi ở Đồng Nai, hay huy động nguồn hàng từ An Giang, Đồng Tháp. “Phải tìm cách huy động nguồn lực của toàn xã hội, đó là cách làm rẻ nhất. Nếu bình ổn thị trường mà không chủ động được nguồn nguyên liệu thì không được. Không tổ chức sản xuất tốt thì khó và nếu sản xuất rồi mà không có phân phối thì cũng khó, tạo nên sự biến động cục bộ, thị trường thiếu sự ổn định”- ông Văn Đức Mười nhấn mạnh. 

Theo bà Bùi Hạnh Thu, bài học lớn nhất trong thực hiện bình ổn giá là thắt chặt liên kết vùng nguyên liệu, hợp tác, chia sẻ. Hàng hóa đem đến cho người tiêu dùng phải từ người sản xuất, nhà máy và người nông dân thì giá cả mới hợp lý.