Sức mua giảm thấp nhất trong vòng 13 năm qua

ANTĐ - Tại hai đầu cầu kinh tế lớn của đất nước, tình trạng sức mua giảm thấp nhất trong 13 năm qua đã xuất hiện. Trong khi đó, dù thừa nhận lạm phát đang được kiểm soát tốt, nhưng một số chuyên gia kinh tế cho rằng CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) tăng thấp thể hiện sức mua của nền kinh tế suy giảm. 

Điều này cũng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào bức tranh kinh tế còn khá mù mịt, họ chưa nhìn thấy điểm sáng của nền kinh tế. Vì thế người dân chỉ mua sắm những sản phẩm hàng hóa thiết yếu, chưa sẵn sàng mở hầu bao cho các nhu cầu khác của cuộc sống hoặc bung ra đầu tư kinh doanh.

Tại Hà Nội, sau khi CPI tụt xuống mức âm (-0,15%) vào tháng trước, trong tháng 4 đã tăng trở lại nhưng ở mức thấp, chỉ 0,12%. Tính chung 4 tháng, CPI Hà Nội so với tháng 12 năm ngoái chỉ tăng 1,15%, mức thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 12 năm trở lại đây. Trong khi đó ở TPHCM, CPI tháng 4 tiếp tục giảm 0,04% so với tháng trước (tháng 3 đã giảm 0,46%). Như vậy, tính đến nay CPI của TPHCM chỉ tăng 0,14% so với cuối năm 2013.

Theo TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, không còn nghi ngờ về việc nền kinh tế đã có dấu hiệu thiểu phát. Đó là sức mua giảm mạnh, tồn kho cao, doanh nghiệp hạn chế vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, thất nghiệp đang có dấu hiệu gia tăng. Chuyên gia này đề xuất gói kích cầu với 4 nội dung chính. Thứ nhất, Chính phủ cần hỗ trợ tài chính trực tiếp cho nông dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh... để tăng tổng cầu. Thứ hai, hỗ trợ lãi suất dưới 5%/năm để cho vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ ba, hỗ trợ tài chính và cơ chế để giúp các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã vay với lãi suất cao trước đây kéo giảm xuống dưới 10%/năm. Thứ tư, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình diện chính sách để vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa góp phần tăng nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu xây dựng.

Sự sốt ruột của giới chuyên gia là có cơ sở. Tuy nhiên, việc đưa ra một gói kích thích kinh tế ở thời điểm này lại là vấn đề cần cân nhắc kỹ. Thông thường, kích cầu chỉ được dùng khi nền kinh tế lâm vào trì trệ hay suy thoái, đang cần vực dậy. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP trong quý I vẫn cao hơn so với cùng kỳ các năm 2012, 2013. Kích cầu chỉ phát huy hiệu quả nếu thực hiện đúng lúc, tức là phải thực hiện ngay khi các doanh nghiệp chưa thu hẹp sản xuất, các hộ gia đình chưa thu hẹp tiêu dùng. 

Trong bối cảnh hiện nay, điều cần làm nhất là phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Nếu đẩy mạnh được tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến nhiều ngành kinh tế. Cùng với đó, việc xử lý được một phần nợ xấu sẽ giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc trở lại, khơi thông dòng vốn tín dụng. Khi đó, sức mua của thị trường cũng được cải thiện bởi niềm tin chính sách quay trở lại.