Sức mạnh của truyền thông chính nghĩa

ANTĐ - Tới chúc mừng tập thể CBCS Báo An ninh Thủ đô nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, Trung tướng Tô Lâm - Thứ trưởng Bộ Công an biểu dương chủ trương của Ban Biên tập Báo ANTĐ là quan tâm, phát triển hơn nữa Báo ANTĐ điện tử trong thời gian tới. Thứ trưởng Tô Lâm nêu bật thế mạnh của loại hình thông tin này: Đó là Báo ANTĐ điện tử sẽ phủ sóng thông tin không chỉ ở phạm vi Thủ đô mà trên toàn quốc, ra thế giới. 

Sức mạnh của truyền thông chính nghĩa ảnh 1
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời đầy thuyết phục bằng tiếng Anh
trên kênh truyền hình CNN về tình hình Biển Đông


Nhận định của Trung tướng Tô Lâm là hoàn toàn có cơ sở. Bởi những ngày này, Việt Nam bằng sức mạnh của truyền thông chính nghĩa, đã thuyết phục cho dư luận thế giới thấy rõ thực chất tình hình căng thẳng ở Biển Đông, cũng như thấy rõ sự khẩn trương, minh bạch của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo đảm ANTT, tạo môi trường làm ăn kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.   

Nói đến sức mạnh của các loại hình truyền thông trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay thì không thể không nhắc đến sức lan truyền với tốc độ chóng mặt của truyền hình, báo điện tử và mạng xã hội. Và quả thật, Việt Nam đã sử dụng mọi kênh truyền thông để bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm với đầy đủ sự tỉnh táo, trung thực và chính nghĩa của mình.

Chẳng thế mà Truyền hình Mỹ CNN dẫn lời Sam Bateman, thành viên cấp  cao của Chương trình an ninh hàng hải của trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Namyang, Singapore nhận định rằng: “Trung Quốc đang cố bắt kịp Việt Nam trong cuộc chiến dư luận”. Bởi liên tục trong những tuần vừa qua kể từ khi Trung Quốc gây hấn, hạ đặt giàn khoan trái phép vào sâu trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta dùng chính truyền thông để tố cáo Trung Quốc và kêu gọi được dư luận quốc tế ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. 

“Trung Quốc đang cố bắt kịp Việt Nam nhưng không thành. Tôi nghĩ Việt Nam đã giành ưu thế vượt trội trong trận chiến dư luận suốt nhiều tuần kể từ khi căng thẳng nổ ra trên Biển Đông”, ông Bateman nói sau khi Trung Quốc đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon lưu hành văn bản vu cáo Việt Nam. 

Phóng viên nước ngoài đi cùng tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam tác nghiệp
tại Hoàng Sa trong những ngày Biển Đông “dậy sóng”

Để thuyết phục cho thế giới thấy sự chính nghĩa của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, chúng ta đã biết tận dụng thế mạnh của mọi loại hình truyền thông: từ báo in, báo điện tử, truyền hình, mạng điện thoại di động, mạng xã hội. Việt Nam tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình bằng biện pháp hòa bình. Và một trong 3 biện pháp được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ trong cuộc đấu tranh này là: Đấu tranh bằng dư luận, thông tin trung thực cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi xâm phạm của Trung Quốc cũng như các biện pháp đấu tranh hòa bình của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc. 

Đã là chính nghĩa thì chẳng ngán ngại trước bất cứ một thế lực cường quyền nào. Và truyền thông chính nghĩa của chúng ta đã thể hiện sức mạnh khi thuyết phục cộng đồng quốc tế. Truyền thông Việt Nam lên tiếng, truyền thông thế giới cùng cộng hưởng, sức lan truyền không có biên giới. Đấy chính là những hình ảnh Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh với Truyền hình CNN, Hãng thông tấn AP thể hiện quan điểm và chủ quyền của Việt Nam một cách thuyết phục và truyền cảm. 

Tính chính nghĩa khi có sự cộng hưởng của các loại hình truyền thông đã tạo nên những sức mạnh khó cưỡng nổi. Nhận ra điều này và vận dụng bài bản sức mạnh của truyền thông chính nghĩa chính là một kinh nghiệm quý báu, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền Tổ quốc.