Kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2012):

Sức mạnh của sự nêu gương

ANTĐ - Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con người phát triển toàn diện, nhưng trước hết là đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng luôn luôn là một tiêu chuẩn quan trọng của mỗi cán bộ, đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người cách mạng thì phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tuy năng lực và công việc mỗi người có khác, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức cách mạng đều là người cao thượng”.

Ngày nay, khi mà hàng ngày, hàng giờ người cán bộ, đảng viên phải đối mặt với nhiều vấn đề mới của cơ chế và tác động của những điều kiện trong và ngoài nước như: sự cám dỗ về vật chất của cơ chế thị trường, cơ chế mở; trước sự phá hoại của kẻ thù thông qua chiến lược “Diễn biến hoà bình”… tất cả những điều đó đang đặt ra vấn đề tiêu chuẩn đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Người cán bộ phải có phẩm chất và năng lực, có đức và tài, trong đó đức là gốc.

Xuất phát từ vai trò của đội ngũ đảng viên và đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ta biết rằng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng lên bởi số lượng và chất lượng của đội ngũ đảng viên của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của toàn Đảng là sức mạnh tổng hợp của đội ngũ đảng viên tạo nên: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”.

Tăng cường công tác giáo dục đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên hiện nay còn xuất phát từ vai trò của giáo dục đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Với quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật”, nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình trong Đảng, cũng như mở rộng dân chủ trong toàn xã hội, bên cạnh những mặt mạnh về đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Đảng ta đã công khai chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm, đặc biệt là về đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 - Khoá XI chỉ rõ sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên đang là vấn đề bức xúc nhất đối với xã hội ta. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Ðảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ.

Nhắc đến vấn đề liên quan tới sự tồn vong của chế độ để thấy tính cấp bách của nghị quyết trong bối cảnh hiện nay. Nghị quyết cũng đã nêu rất rõ một số vấn đề cấp bách nổi lên như: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...

Nghị quyết thẳng thắn nêu, đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp Trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.

Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.  Sự gương mẫu của mỗi đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và sức lay động mạnh mẽ đối với quần chúng. Bởi vậy, đi liền với quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật” là những giải pháp mà Nghị quyết đề ra hết sức thiết thực, logic và trình tự cũng rất rõ ràng. Đi đầu là sự nêu gương của mỗi cá nhân trong Đảng, từ trên xuống dưới với Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên. Thứ hai mới đến tập thể với Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng. Rồi mới đến Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; và  Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì Đảng ta mới không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngang tầm với nhiệm vụ của một Đảng cầm quyền trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta nói đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chỉ có thường xuyên và thường trực công tác này mới duy trì sự mạnh mẽ, sức bật cho tổ chức Đảng trong bất cứ hoàn cảnh nào.