Sức khỏe, thiết bị, may mắn và độ “lỳ” khi tác nghiệp chốn nghị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để có được bức ảnh chân dung chính khách ấn tượng là rất khó, hơn nữa, phóng viên ảnh nghị trường còn có thể xem là những “người chép sử” đặc biệt qua những bức ảnh… Mỗi người đều có lối đi riêng để hoàn thành nhiệm vụ của mình song bí quyết thành công chung của phóng viên ảnh nghị trường có thể đúc kết trong 4 yếu tố phải có: “Sức khỏe - Thiết bị - May mắn - “Lỳ”.

* Phóng viên ảnh: Sống với từng phút giây thời sự không bao giờ lặp lại!

Tình yêu nghề của phóng viên ảnh mang lại sự tự hào được sống với từng giây phút thời sự không bao giờ lặp lại

Tình yêu nghề của phóng viên ảnh mang lại sự tự hào được sống với từng giây phút thời sự không bao giờ lặp lại

Đằng sau những bức ảnh chính khách

Trước tiên, chuyện nghề của phóng viên ảnh thường mở đầu bằng kỹ thuật. Phóng viên ảnh đi đến đâu cũng dễ bị… phát hiện. Ai cũng ba lô “khủng”, đeo túi to, túi nhỏ, đồ nghề cồng kềnh. Chuyện chụp ảnh ở nghị trường có 2 phần. Trong hội trường và các phiên giải lao bên lề. Riêng chụp ảnh trong hội trường cũng lắm công phu. Để đảm bảo tính trang nghiêm mỗi phiên họp ở nghị trường Quốc hội, chỉ có phóng viên chuyên trách ở một số cơ quan báo chí lớn nhất nước được cấp Thẻ tác nghiệp trong hội trường. Các phiên khai mạc và bế mạc, phóng viên ảnh các báo khác được tác nghiệp từ tầng 2 - nơi cách bục phát biểu khoảng 200m. Với tất cả các tòa soạn, nhu cầu ảnh lúc nào cũng phải nhanh, đẹp, ấn tượng. Với trang bị “tiêu chuẩn” là ống tele tiêu cự 70-200mm, việc “bắt” cận được hình ảnh lãnh đạo là rất khó. Thế nên, việc có thiết bị tốt là một yêu cầu bắt buộc.

Người ít tiền thì mua “khẩu nhân” (thiết bị để lắp vào thân máy giúp kéo gần khoảng cách từ 1,5 đến 2 lần). Người chịu chi thì sắm hẳn ống kính tele fix 400mm với giá tiền từ 5.000 đến 7.000USD. Các thiết bị “ngoại hạng” này chủ yếu do phóng viên tự đầu tư. Quả thật, anh em phóng viên ảnh vẫn nói với nhau là nếu nghĩ đến chuyện “hồi vốn” thì sẽ không bao giờ bỏ tiền ra sắm đồ.

Một ống kính như vậy nặng từ 2 đến gần 5kg, cộng thêm một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp to như cái bánh chưng cỡ 2kg, cầm trên tay khoảng từ 5 đến 10 phút mới biết nó nặng thế nào. Trung bình, các chính khách phát biểu từ 5 đến 30 phút. Phóng viên ảnh chuyên nghiệp sẽ “ôm” máy đủ thời gian ấy bởi chỉ một nháy mắt lơ đãng đã bỏ qua một hình ảnh đẹp, ấn tượng của lãnh đạo. Chụp xong, nhiều lúc anh em phải đặt máy xuống đất, cho đôi tay mỏi nhừ được nghỉ ngơi. Thế nên, sức khỏe yếu không làm phóng viên ảnh được.

Chuyện chụp bên lề nghị trường cũng lắm công phu. Trong 15 phút giải lao, các đại biểu có rất nhiều việc. Bên cạnh những hình ảnh trao đổi công việc, đó còn là lúc các phóng viên ảnh phải tăng tốc, “chạy” xung quanh để “săn” ảnh những đại biểu để sẵn làm tư liệu. Chụp phải tính toán làm sao tự nhiên và đẹp nhất nhưng cũng không làm phiền đến sự riêng tư của các đại biểu. Yêu cầu này đòi hỏi sự kiên nhẫn, phải suy nghĩ chứ không hẳn là cứ giơ máy lên bấm cái xong như nhiều người nghĩ.

Ảnh nghị trường thường nằm trong không gian gần như cố định, mọi hoạt động diễn ra lặp đi lặp lại nên điều khó khăn nhất là tâm lý nhàm chán trong khi chụp. Thể loại ảnh này thường luôn phải chỉn chu, theo một mô-tuýp nhất định làm sao đảm bảo yêu cầu mà tòa soạn đề ra nên phóng viên ảnh thường chụp sao cho an toàn nhất để phù hợp sử dụng đăng báo nên đôi khi thiếu đi sự sáng tạo trong cách thể hiện bức ảnh…

Tuy nhiên, không hẳn tất cả là như vậy. Phóng viên ảnh nghị trường, mỗi người có một phong cách khác nhau. Phóng viên Chu Ngọc Thắng, Báo Thanh niên luôn chỉn chu; phóng viên Lê Anh Dũng, Báo điện tử Vietnamnet thì thoắt ẩn, thoắt hiện nhưng rất nhiều ảnh độc đáo; phóng viên Nguyễn Tiến Anh Tuấn (Tuấn Mark) - Báo Dân trí thiên về những khoảnh khắc lạ mà mỗi chi tiết trong ảnh đều có ý tứ riêng… Ai cũng có độ “lỳ” nhất định. Họ có thể “cắm chốt” cả ngày ở một vị trí đẹp đến khi nào chụp được bức ảnh vừa ý mới thôi hoặc xuất hiện và “ghi bàn” đúng khoảnh khắc quan trọng nhất. Xem ảnh của đồng nghiệp, chúng tôi và nhất là những phóng viên ảnh mới vào nghề học được rất nhiều.

Một đặc trưng nữa của chụp ảnh nghị trường là phải biết… chen lấn. Nhiều lúc, có đến mấy chục phóng viên chen nhau chụp một chính khách khi chỉ còn mấy mét nữa là họ đi vào hội trường. Chen vào để chụp không dễ, phải khéo léo để vừa chụp được ảnh mà không bị “ăn” cái máy ảnh vào đầu… Ảnh chụp ra phải chân thật, cảm xúc nhất…

Phú Khánh

Phú Khánh

Chuyện những người “chép sử” bằng ảnh

Đôi khi, nhà báo Chu Ngọc Thắng, Báo Thanh niên lại gửi cho tôi mấy bức ảnh tôi tác nghiệp tại nghị trường. “Khánh nhớ ảnh này năm bao nhiêu không?”; “Kỳ họp ở hội trường Bộ Quốc phòng này”… Gần 30 năm làm phóng viên ảnh nghị trường, nhà báo Chu Ngọc Thắng không thể nhớ đã chụp ảnh cho bao nhiêu đại biểu. Mỗi kỳ họp anh đều chỉn chu, nâng niu từng khuôn hình, lưu trữ cẩn thận và rửa tặng ảnh các đại biểu. Anh Thắng cho biết: “Đấy là tấm lòng và tình cảm chân thành của người phóng viên ảnh ở nghị trường. Tôi không biết người khác thế nào, với tôi đó là những tư liệu quý và tôi luôn muốn tặng cho các đại biểu như thay lời cảm ơn của những người dân. Đó là việc đáng làm, nên làm và không nên xuất phát từ bất kỳ mục đích nào khác”.

“Có đại biểu Quốc hội trước khi thôi ứng cử đã chia sẻ với tôi rằng, chính các phóng viên ảnh đã làm thời gian tôi ở Quốc hội trở nên quý giá. Những bức hình đã lưu lại giúp ký ức về những ngày tháng hoạt động ở nghị trường của các vị đại biểu Quốc hội. Đó là điều trân quý nhất với tôi” - nhà báo Chu Ngọc Thắng, người được mệnh danh là kho lưu trữ ảnh Quốc hội nói.

Phóng viên ảnh làm việc liên tục 10 năm sẽ ra không ít “bệnh… nghề nghiệp”. Lao động đúng nghĩa, thường xuyên đeo, vác nặng nên cứ 10 phóng viên ảnh thì đến 8 người có vấn đề về cột sống. Chuyện bị lệch vai, đau cơ lưng thì như “cơm bữa”. Mồm thì lúc nào cũng bảo chuyển nghề thôi, vất vả lắm nhưng họa hoằn lắm mới thấy người thôi nghề, làm hẳn việc khác nhưng cứ gặp lại than nhớ nghề…

Dù lúc này lúc khác, dù có những lúc cảm thấy tủi thân vì phóng viên ảnh có nơi, có chỗ vẫn là “xếp sau”, dù nhuận bút ảnh chưa hẳn tương xứng với công sức lao động…, nhưng phóng viên ảnh chúng tôi chưa bao giờ thôi yêu nghề gắp nghiệp bởi nghề nghiệp mang lại cho chúng tôi tình yêu và sự tự hào được sống với từng giây phút thời sự không bao giờ lặp lại!