Sức hút của "Cùng học tiếng Việt" trên facebook

ANTĐ - Một nhóm các bạn trẻ sống xa Tổ quốc đã cùng nhau lập nên trang facebook “Cùng học tiếng Việt” với mục đích mở rộng vốn từ của giới trẻ, để mỗi người hiểu rõ hơn về tiếng Việt và dùng tiếng Việt tốt hơn. Chỉ hơn 1 năm thành lập, trang này nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng, điều này đã chứng tỏ sức hút của “Cùng học tiếng Việt”. 

Sức hút của "Cùng học tiếng Việt" trên facebook ảnh 1

“Cùng học tiếng Việt” giải thích sinh động về nghĩa của từ

Không sao chép từ điển

“Cùng học tiếng Việt” (facebook.com/cunghoctv) được điều hành, viết bài và trả lời các câu hỏi của bạn đọc bởi 3 thành viên hiện sống xa Tổ quốc. Công việc của các thành viên hoàn toàn không liên quan đến ngôn ngữ học, xã hội học mà chủ yếu tập trung ở lĩnh vực khoa học tự nhiên. Vì thế, “Cùng học tiếng Việt” ra đời bằng một tấm lòng hướng về quê hương của những người trẻ và từ những lý do khá thú vị.

Theo chia sẻ của một thành viên trong nhóm, “Cùng học tiếng Việt” được thành lập với mong muốn chia sẻ, gợi cảm hứng để người đọc cùng học hỏi thêm tiếng Việt, và bởi thời gian gần đây, văn hóa đọc đang xuống cấp trong khi các “thảm họa” dịch thuật liên tiếp xảy ra. Lý do cuối cùng để “Cùng học tiếng Việt” ra đời là dù bạn làm nghề gì, bạn cũng cần ngôn ngữ và biết cách dùng ngôn ngữ để việc truyền đạt thông tin được dễ dàng. 

Bó hẹp trong lĩnh vực từ vựng, giải nghĩa của từ nhưng công việc này cũng khiến các thành viên của “Cùng học tiếng Việt” khá vất vả. Bởi cái khó là việc giải nghĩa phải sinh động, dễ hiểu thì người đọc mới dễ tiếp thu. Thay vì sao chép nguyên xi nghĩa của từ trong từ điển, các thành viên luôn cố gắng lồng ghép các kiến thức về văn hóa, lịch sử, và cả khoa học tự nhiên để  bài viết mang tính hiện đại, tươi trẻ.

“Cùng học Tiếng Việt” muốn người đọc đặt tiếng Việt trong mối tương quan về từ vựng với tiếng Hán, tiếng Nhật (qua phương tiện chữ Hán), cùng với hai ngôn ngữ phương Tây có ảnh hưởng lớn tới người Việt từ thời cận đại là tiếng Pháp và Anh. Do đó, các mẩu chuyện lồng ghép cũng trải dài từ Đông sang Tây. Nguồn tham khảo chủ yếu được lấy từ các tài liệu tiếng Việt và là tiếng nước ngoài, nên phải dịch và viết lại cho liên quan với chủ đề ngôn ngữ đang nói tới.

Sức hút của "Cùng học tiếng Việt" trên facebook ảnh 2

Để hiểu tường tận tiếng mẹ đẻ

Lúc mới bắt đầu, do nội dung còn yếu nên các thành viên không ít lần gặp sự phản ứng tiêu cực từ độc giả nhưng sau vài tháng thì các góp ý, trao đổi cũng đã ôn hòa và tích cực hơn. Đặc biệt, do tính tích cực của trang mang lại cho độc giả nên đến nay, các thành viên của “Cùng học tiếng Việt” đã nhận được sự tư vấn, giúp đỡ của những người có chuyên môn,  giúp bài viết được đầy đủ và hoàn chỉnh hơn.

Tiếng Việt phong phú và đa dạng nên khi trang “Cùng học tiếng Việt” đi vào việc giải nghĩa của từ có tính chuyên sâu, cụ thể lại dễ hiểu đã tạo hiệu ứng rất tốt đối với giới trẻ. Với những bình luận sau mỗi bài viết, không ít người đã bày tỏ sự cảm phục đối với nhóm các bạn trẻ đã giúp họ hiểu tường tận ngôn ngữ của tiếng Việt. 

Hiện, lượng người truy cập “Cùng học tiếng Việt” đang tăng lên đông đảo. Tuy vậy, do các thành viên còn khá trẻ và chưa có kinh phí dồi dào nên họ vẫn đang sử dụng mạng xã hội facebook làm kênh truyền thông chính thức với tính tương tác cao, dễ dàng và miễn phí tới từng đối tượng.

Giúp mọi người hiểu rõ từng từ trong tiếng Việt nhưng các thành viên lại không đồng ý với quan điểm bảo toàn ngôn ngữ mẹ đẻ bằng việc từ chối mọi nỗ lực thay đổi tiếng mẹ đẻ dù tốt hay xấu. Bởi tiếng Việt là một sinh ngữ, nghĩa là một ngôn ngữ còn sống, mà còn sống thì còn phát triển và biến đổi.

Tất cả những tiếng lóng, cách chơi chữ, nói vui, thành ngữ hiện đại đều là những cách tiếng Việt phát triển và biến đổi. Vấn đề nằm ở chỗ phải chỉ ra biến đổi nào là tốt, biến đổi nào là xấu, cái nào tốt thì duy trì, cái nào xấu cần phải lên tiếng phản đối.