Tiến Minh liên tiếp thất bại trên nhiều đấu trường:

Sức đâu mà đánh

(ANTĐ) - Tay vợt số 1 Việt Nam đã phải dừng bước tại Giải cầu lông Super Series Singapore 2011 ngay trong trận mở màn ngày 15-6. Song, đằng sau thất bại đó là cả một câu chuyện dài khó nói thành lời.

Ước mơ và trách nhiệm

Trong con mắt nhiều người, Tiến Minh được xem như một VĐV tài năng vào bậc hiếm có. Ngôi vị thứ 7 trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới như một sự khẳng định. Đích phấn đấu của Tiến Minh là những sân chơi tầm cỡ quốc tế, cụ thể hơn là lọt vào top 3 trong làng cầu lông thế giới.

Và sự thật là tay vợt người TP.HCM đã làm đủ mọi cách, thậm chí là bỏ tiền túi để được góp mặt tại các giải đấu danh giá, được thi đấu, cọ xát và vươn đến những ước mơ, hoài bão của mình. Nhưng đôi khi, con đường đến những ước mơ đó không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Không khó để nhận ra, đằng sau những thành công của tay vợt số 1 Việt Nam là sự đầu tư từ phía Sở VH-TT&DL TP.HCM. Cũng từ đó mà Minh được tập huấn chuyên gia, được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt và cả những chuyến du đấu nước ngoài để có được vinh quang như ngày hôm nay.

Lẽ thường, tiếp sau sự đầu tư kia là đòi hỏi về thành tích từ phía cơ quan chủ quản. Như một con ong chăm chỉ, Tiến Minh đều đặn mang về những tấm huy chương đủ màu sắc làm giàu thêm phòng trưng bày của thành phố. Song có ai biết rằng, đằng sau ánh hào quang đó là cả một quá trình miệt mài khổ luyện, là mồ hôi và nước mắt. Có thể nói, Minh “nợ” cơ quan chủ quản TP.HCM rất nhiều, song những thứ mà anh mang về cho quê hương cũng không ít. Nhưng  dường như đó là chưa đủ để cơ quan chủ quản “buông” anh. Tiến Minh vẫn thường xuyên phải góp mặt tại các giải đấu quốc nội, như một vị cứu tinh cho bảng thành tích của đoàn TP.HCM .

Chính việc tập luyện và thi đấu với mật độ dày đặc đã khiến tay vợt số 1 Việt Nam không còn đủ thể lực sung mãn. Những thất bại tại giải Cầu lông đồng đội toàn quốc 2011 vừa qua hay mới đây là việc bị loại bởi đối thủ kém mình đến 5 bậc trên bảng xếp hạng thế giới tại giải cầu lông Super Series Singapore 2011 là những bằng chứng. Lịch thi đấu quá tải, Tiến Minh cần nghỉ ngơi để dành sức cho những đấu trường lớn thay vì bị vắt kiệt sức tại các giải đấu quốc nội chỉ để đạt chỉ tiêu thành tích.

Những nỗi niềm

“Từ việc tập luyện, thi đấu đến mục tiêu thành tích đều mang đến những áp lực không nhỏ và nếu không phải một người có ý chí kiên cường, bạn sẽ gục ngã trước khi đặt chân lên thảm đỏ vinh quang”, Tiến Minh đã từng tâm sự như thế. Và với một người thường xuyên phải thi đấu xa nhà như Minh hẳn còn chất chứa nhiều nỗi niềm khó nói. Ngoài ý chí quyết tâm, hành trang trong những lần “mang chuông đi đánh xứ người” hẳn còn có cả những giọt nước mắt của kẻ độc hành. Trong con mắt nhiều người, Tiến Minh phải là chiến binh bất khả chiến bại, chỉ được phép thắng và thắng. Có lẽ anh đã quá quen với những lời chỉ trích từ dư luận sau mỗi lần thất bại. Và đã có lúc, anh cảm thấy mệt mỏi bởi áp lực mà có lẽ chỉ những người trong cuộc mới thấm thía.

Còn nhớ tháng 7-2010, tay vợt số 1 Việt Nam cùng các đồng đội tại bộ môn cầu lông đã làm đơn tố cáo chuyện ăn bớt trang thiết bị tập luyện hay gây khó dễ trong việc VĐV tìm nhà tài trợ, cho đến những bức xúc trong khâu huấn luyện… và xin rút lui khỏi đội để lo cho tương lai. Và tất nhiên, những điều đó ít nhiều ảnh hưởng, khiến cho Minh khó có thể tập trung tập luyện và thi đấu.

Sau nhiều năm “trả nợ” cho thể thao TP.HCM, hơn lúc nào hết tay vợt 28 tuổi muốn được thoát khỏi những ràng buộc và cả sự mệt mỏi hiện tại. Không ít lần “số 1” đã bày tỏ ý định xin rút khỏi đội tuyển cầu lông TP.HCM để có thể chuyên tâm theo đuổi hoài bão, song đều bất thành. Và có lẽ, trong tương lai cái tên Tiến Minh vẫn còn phải xuất hiện tại các giải quốc nội, như thể chiếc phao cứu sinh giúp cơ quan chủ quản của mình thoát khỏi những mùa giải thất bát.