Suất học bổng quý giá giúp dịch chuyển cuộc đời gia đình Tổng thống Mỹ Obama

ANTĐ - “Hãy tưởng tượng, nếu không có sự giúp đỡ từ Tổ chức Sinh viên Mỹ - Phi thì cha của Tổng thống Obama đã không thể đến Mỹ. Vậy thì ai sẽ ở trong Nhà Trắng bây giờ?”, một nhạc sỹ  Mỹ từng nói. Tổ chức được nhắc đến chính là nơi gây quỹ học bổng được cho là khởi nguồn của câu chuyện về Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ - Barack Obama.
Suất học bổng quý giá giúp dịch chuyển cuộc đời gia đình Tổng thống Mỹ Obama ảnh 1

Trước khi làm Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama gặp gỡ người cũng được nhận học bổng như cha mình, bà Wangari Mathaai - người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình

Truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi

Tốt nghiệp trường Ruskin, thuộc ĐH Oxford (Anh), Tom Mboya đã trở thành một chính trị gia ở Kenya. Mong muốn Chính phủ Kenya có đủ năng lực để điều hành đất nước thời kỳ thoát khỏi chế độ thuộc địa,  ông đã sớm nhận ra rằng Kenya thiếu nguồn nhân lực có thể quản lý hiệu quả các dịch vụ công. Để khắc phục điều này, ông đã thành lập quỹ học bổng mang tên Tổ chức sinh viên Mỹ - Phi (AASF) đưa những người trẻ tuổi học giỏi ở châu Phi sang Mỹ và Canada học tập. Ý tưởng này giúp những người trẻ tuổi có thể học được những kỹ năng cần thiết rồi sau đó trở về xây dựng một đất nước mới khi những công chức da trắng trở về châu Âu.

 Một trong những sinh viên đó là Barack Obama cha đến từ Kogelo, gần thành phố cảng Kisumu. Barack Obama cha là sinh viên châu Phi đầu tiên học ở Đại học Hawaii. Ông đã yêu và kết hôn với một phụ nữ trẻ người Mỹ là An Duham, họ đã có một người con trai tên là Barack Hussein Obama II (Tổng thống Mỹ hiện nay).

Tom Mboya là người có tài năng xuất chúng với  trí tuệ và tài hùng biện nổi trội. Ông là người Kenya đầu tiên được xuất hiện trên bìa tạp TIME. Đáng tiếc là Tom Mboya bị ám sát ở trung tâm Nairobi năm 1969 khi đang giữ chức  Bộ trưởng Phát triển kinh tế và Kế hoạch, lúc đó ông mới 38 tuổi. Động cơ vụ ám sát này hiện vẫn là điều bí ẩn.

Khi ông Barack Obama lần đầu tiên thăm Kenya với tư cách là Tổng thống Mỹ ngày 25 và 26-7, câu chuyện về quỹ học bổng của Tom Mboya lại được nhiều người nhắc tới. Susan Mboya, con gái của Tom Mboya nói: “Cha tôi có lẽ không biết rằng bằng cách giúp một người tới trường, ông ấy đã thay đổi cuộc sống của rất nhiều người khác. Barack Obama đã có được nhiều thứ và thật tuyệt ông ấy là Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều ý nghĩa nhất mà cha tôi làm được  là ông đã truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi trên khắp thế giới… Với tôi, đó là giá trị  lớn lao của các quỹ học bổng” - bà nói.

Dịch chuyển “bánh xe vận mệnh” nhiều người

Với tấm bằng Tiến sĩ hóa học, hiện bà Susan Mboya là một giám đốc điều hành của hãng Coca-Cola châu Phi có trụ sở ở Nairobi. Bà cũng quản lý một chương trình học bổng có tên Zawadi (theo tiếng Kiswahili có nghĩa là món quà), giúp đỡ những phụ nữ trẻ châu Phi đi du học. Bà cũng giải thích lý do tại sao bà làm theo cha bằng cách lập quỹ học bổng của riêng mình: “Tôi muốn tiếp nối việc mà cha tôi đã bắt đầu và muốn hoàn thành nó với mong muốn bồi dưỡng thêm  cho đội ngũ lãnh đạo của đất nước Kenya”.

Ở phía bên kia đại dương, quỹ học bổng AASF đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình doanh nhân người Mỹ William X Xcheinman - một người bạn của Tom Mboya.  Khi thực hiện chương trình học bổng này, họ đã nhận được sự hỗ trợ của Tổng thống Mỹ John F Kennedy, nhạc sĩ và là nhà hoạt động Harry Belafonte, diễn viên Sidney Poitier cũng tham gia gây quỹ cho quỹ học bổng. Ông Belafonte từng viết: “Hãy tưởng tượng, nếu không có sự giúp đỡ từ tổ chức Sinh viên Mỹ - Phi thì ông ấy đã không thể đến Mỹ. Vậy thì ai sẽ ở trong Nhà Trắng 

bây giờ?”.

 “Bánh xe vận mệnh” của nhiều người bắt đầu dịch chuyển từ suất học bổng mà họ nhận được. Ông Obama cha cũng tốt nghiệp Đại học Harvard rồi trở về Kenya năm 1968 và cuối cùng làm việc cho chính phủ trong vai trò là một nhà kinh tế. Ông đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1982 sau khi đến thăm con trai mình ở Hawaii.

Tổ chức sinh viên Mỹ - Phi (AASF) thành lập năm 1959 sau chuyến thăm Mỹ của ông Tom Mboya người Kenya theo lời mời  của Mỹ. Ban đầu, AASF quyên góp được 39.000 USD và đưa được một số sinh viên Đông Phi (chủ yếu là từ Kenya) sang Mỹ vào tháng 9-1959. Năm 1960, tổ chức Joseph P.Kennedy của Mỹ đã trao 100.000 USD cho AASF. Từ năm 1959 đến 1963, gần 800 sinh viên Đông Phi được đi du học. Trong số những sinh viên này, nhiều người khác về nước làm bộ trưởng, đại sứ, hiệu trưởng các trường đại học…