Suất ăn siêu rẻ dễ gây ngộ độc thực phẩm

ANTD.VN - Qua khảo sát của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, 70% vụ ngộ độc tập thể tại các khu công nghiệp (KCN) là do suất ăn sẵn, với giá trị chỉ khoảng 11.000-12.000 đồng/suất.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Từ đầu hè đến nay, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các KCN gia tăng ở một số địa phương, điển hình như vụ 44 công nhân Công ty TNHH điện tử BSE (KCN Nam Cấm, Nghi Lộc, Nghệ An) hay vụ 38 công nhân tại một công ty ở KCN Giao Long (Châu Thành, Bến Tre) phải nhập viện sau bữa ăn trưa… Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ.

- Từ đầu mùa hè đến nay, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể có xu hướng gia tăng, nhất là ở các KCN, nguyên nhân do đâu, thưa ông? 

- PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP: Vào mùa hè, trời oi nóng, cơ thể con người dễ mệt mỏi, sức đề kháng giảm trong khi thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất, là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật phát triển. Do vậy, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm, thức ăn là có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó, điều kiện vệ sinh trong các khu chế biến thức ăn, nhất là bếp ăn tập thể thường không đảm bảo, ý thức chấp hành yêu cầu về ATTP của người chế biến nhiều khi còn kém.  

Đặc biệt, một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến ATTP tại các bữa ăn tập thể ở các KCN, khu chế xuất là giá trị của các suất ăn. Có tới 70% vụ ngộ độc là do suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến, giá trị một bữa ăn ca của công nhân tại nhiều nhà máy chỉ khoảng 11.000-12.000 đồng/suất. Với giá trị suất ăn như vậy, rất khó để có được các nguyên liệu thực phẩm tươi ngon, bảo đảm vệ sinh, an toàn. 

Ngoài ra, ý thức về đảm bảo ATTP của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng cũng còn hạn chế. Nhiều người vẫn có thói quen hoặc chấp nhận sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống không đảm bảo ATTP. Hệ quả là vừa qua xảy ra khá nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ những quán, quầy thức ăn đường phố, có vụ hàng chục người phải cấp cứu.

Một mô hình bếp ăn kiểu mẫu về vệ sinh an toàn thực phẩm cần được áp dụng ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác

- Trước thực trạng đó, Cục ATTP đã có những biện pháp gì?

- Từ đầu mùa hè, chúng tôi đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo đảm ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm với nhiều giải pháp đồng bộ. Cục ATTP cũng đã đề nghị các địa phương xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Cục ATTP đang thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm đôn đốc, giám sát việc thực hiện tại các địa phương.

Cục ATTP cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn và xây dựng các mô hình kiểm soát ATTP tại các bếp ăn tập thể, trong đó có việc đề cao vai trò của công đoàn và đại diện của người lao động. Cục ATTP đã lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm ATTP hay nguy cơ mất ATTP (qua số máy 04.32321556 hoặc 0911811556). Khi nhận được phản ánh, Cục sẽ báo nhanh cho các đơn vị phụ trách kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm vi phạm. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh vi phạm ATTP về địa chỉ email: tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp

- Cục ATTP có khuyến cáo gì tới người dân để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè?

- Bộ Y tế đã hướng dẫn địa phương về việc xử lý và điều tra để xác định nguyên nhân khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Cục ATTP cũng đã tổ chức diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc tại các địa phương và doanh nghiệp có bếp ăn tập thể. Khi có ngộ độc thực phẩm, việc đầu tiên là phải tập trung vận chuyển, cấp cứu người bệnh.

Phải yêu cầu ngừng sử dụng các thực phẩm liên quan đến bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc, cơ sở cung cấp hoặc chế biến thức ăn phải tạm dừng hoạt động. Trong quá trình xử lý vụ ngộ độc thưc phẩm, cần chú trọng đến việc vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất thải của người bị ngộ độc để phòng tránh lây lan và ô nhiễm ra môi trường xung quanh…

Cùng đó, chúng tôi yêu cầu người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm. Các cơ quan chức năng phải tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ở những cửa hàng cố định. Cần đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm, chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi.