Sữa non đóng hộp thực sự tốt đến đâu?

ANTD.VN - Được quảng cáo là giúp trẻ tăng cường tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, sữa non công thức đang là sản phẩm được nhiều bà mẹ ưa chuộng sử dụng. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sản phẩm này thực sự tốt đến đâu?

Sữa non đóng hộp không thể tốt bằng sữa mẹ

Từ khi bước vào tuần thứ 39 của thai kỳ, gia đình chị Nguyễn Thị Bình (quận 5, TP.HCM) hồi hộp ngóng theo từng dấu hiệu chuyển dạ của chị Bình. Quần áo, sữa bỉm của em bé đã được chuẩn bị sẵn. Vì là sinh con đầu lòng nên chị Bình rất cẩn thận, nhất là trong khâu chọn sữa. Nghe bạn bè nói, sữa non là tốt nhất cho trẻ, nên chị đã chuẩn bị sẵn vài hộp trong nhà. Chị Bình cho biết: “Mấy ngày đầu, tôi sẽ cho bé bú hết sữa non của mình, sau đó sẽ chuyển sang dùng sữa non đóng hộp. Hy vọng như thế bé sẽ khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn”.

Tuy nhiên, không biết vì lý do gì từ khi chuyển sang dùng sữa non đóng hộp, con trai chị lại có dấu hiệu tiêu chảy, phân nhiều bọt, có mùi chua, xì hơi nhiều quá mức, vùng da quanh hậu môn bị hăm đỏ... Đưa con đi bác sĩ kiểm tra chị mới biết cơ thể bé không dung nạp lactose trong hộp sữa non. 

Sữa non chỉ là thực phẩm bổ sung

Trước kia, do không hiểu được giá trị của sữa non, nên lúc vừa đẻ xong, nhìn thấy dòng sữa có màu khác thường lại dinh dính, nhiều người vắt bỏ đi, không dám cho con bú vì tưởng đó là sữa đã bị ôi thiu do tích trữ lâu. Ngày nay, khi kiến thức được nâng cao, mọi người đã biết trân trọng giá trị của từng giọt sữa non quý giá. Nắm bắt được tâm lý này, bên cạnh sản xuất những loại sữa phổ thông, các hãng sữa còn đua nhau tung ra thị trường sản phẩm sữa non đóng hộp. So với giá sữa chung, sữa non đắt hơn hẳn, có loại đến cả triệu đồng một 1 hộp nhỏ tầm 250gram.

“Sữa non đóng hộp hoàn toàn không phải là sữa non của mẹ như nhiều người lầm tưởng. Về bản chất, sữa non cũng như các loại sữa công thức khác, chỉ là thực phẩm bổ sung, dù tốt đến đâu thì cũng không thể bằng sữa mẹ”. 

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Đắt là thế, nhưng vì nghĩ rằng nó tốt cho trẻ nên nhiều bà mẹ vẫn  cố gắng mua cho con. Theo quảng cáo, đây cũng là loại sữa gần giống với sữa mẹ và có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ có sức chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng lại cho rằng sữa non của mẹ và sữa non công thức là hoàn toàn khác nhau.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: “Sữa non đóng hộp hoàn toàn không phải là sữa non của mẹ như nhiều người lầm tưởng. Về bản chất, sữa non cũng như các loại sữa công thức khác, chỉ là thực phẩm bổ sung, dù tốt đến đâu thì cũng không thể bằng sữa mẹ”. 

Không nên dùng cho trẻ dưới 6 tháng

Cũng bởi sữa non của bò khác với sữa non của mẹ, thế nên, chuyện trẻ không dung nạp lactose ở sữa non đóng hộp nhưng lại có thể tiêu hóa được lactose trong sữa mẹ là điều dễ hiểu. Thực chất, lactose là dạng đường có trong sữa động vật, trong đó có cả sữa mẹ. Ở một số trẻ, hệ tiêu hóa không thể dung nạp được lactose dẫn đến hiện tượng tiêu chảy.

Tuy nhiên, lactose trong sữa mẹ lại hoàn toàn vô hại. Cũng chính vì lý do này mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo, ngoài sữa mẹ, trẻ dưới 6 tháng không nên dùng bất cứ loại sữa nào khác, bao gồm tất cả các loại sữa non đóng hộp.

Mặc dù sữa non đóng hộp và sữa non của mẹ là khác nhau, song trong những trường hợp bất khả kháng như người mẹ không có sữa do chữa bệnh, con không được ở gần mẹ… bạn vẫn có thể sử dụng loại sữa non này cho trẻ. Để đảm bảo chất lượng cũng như tránh hàng giả, hàng nhái, bạn cần mua sữa của các nhà sản xuất có uy tín tại các cửa hàng tin cậy.

Ngoài việc sử dụng sữa non đóng hộp, nhiều người còn cất công tìm mua sữa non từ những con bò mới đẻ cho trẻ uống. Thực chất, loại sữa này cũng được coi là sữa tươi và không thích hợp với trẻ dưới 1 tuổi vì hệ tiêu hóa của bé còn rất non nớt, chưa thể tiêu thụ được loại sữa giàu đạm như thế. Hơn nữa, vì loại sữa này chủ yếu là của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nên yếu tố vệ sinh không được đảm bảo. Nếu mua về không biết cách tiệt trùng sẽ rất dễ dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.