Sữa nhiễm nhôm cao có nguy hại?

ANTĐ - Thông tin về việc sữa bột của một loạt thương hiệu danh tiếng như Aptamil Toddler, Growing up, Sma Toddler, Hipp Organic First, Cow &Gate First...  của Anh có chứa nồng độ nhôm cao đã thu hút sự chú ý lớn trong dư luận những ngày qua. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Keele ở Anh vừa đăng tải trên Tạp chí Nhi khoa “BMC Pediatrics” ngày 8-10 cho thấy nhiều loại sữa bột công thức dành cho trẻ em bán ở nước này có hàm lượng nhôm cao gấp 100 lần so với sữa mẹ, cao gấp 3 lần mức hàm lượng nhôm cho phép trong nước máy (Tiêu chuẩn an toàn của châu Âu là 200 microgram nhôm/lít).

Các nhà nghiên cứu tại Anh đã lên tiếng kêu gọi đã đến lúc Chính phủ cần thực hiện các bước cần thiết để thiết lập tiêu chuẩn về nồng độ nhôm trong sữa bột. Tuy nhiên, theo tờ Malta ngày 13-10, Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh đã lên tiếng trấn an dư luận. Tổng cục Y tế Môi trường Vương quốc Anh khẳng định hiện không có giới hạn hoặc ngưỡng pháp lý về nồng độ nhôm an toàn trong sữa công thức hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào khác. Và trừ khi có một “bằng chứng rõ ràng” về mối nguy hiểm hoặc rủi ro đối với sức khỏe thông qua đánh giá của một cơ quan khoa học chuyên ngành như Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu, Vương quốc Anh sẽ không đưa ra lời kêu gọi thu hồi hoặc tiến hành thu hồi các sản phẩm trên. 

Tại thị trường Việt Nam, sản phẩm Aptamil được bán rộng rãi ở nhiều cửa hàng, siêu thị, thông qua các kênh chuyển hàng xách tay. Đây là những dòng sữa cao cấp, được nhiều gia đình tin dùng. Sau khi có thông tin các sản phẩm Aptamil có xuất xứ từ Anh nhiễm hàm lượng nhôm cao, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế Việt Nam đã tiến hành kiểm tra, rà soát và yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thực hiện các xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng nhôm đối với các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ Aptamil có xuất xứ từ Anh đang lưu thông trên thị trường Việt Nam cho thấy, hàm lượng nhôm trong sản phẩm dao động từ 3,0 - 3,44 mg/kg. Được biết, Cục An toàn Thực phẩm sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan kiểm nghiệm tiến hành lấy mẫu trên diện rộng để kiểm tra hàm lượng nhôm đối với các sản phẩm Aptamil xuất xứ Anh đang lưu thông trên thị trường. 

Về mức giới hạn tối đa an toàn của nhôm trong thực phẩm, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm của quốc tế (CODEX) và các quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa quy định. Tuy nhiên, từ năm 2011, trên cơ sở các nghiên cứu về độc học, Ủy ban hỗn hợp chuyên gia của FAO và WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) đã thiết lập hạn mức an toàn nạp nhôm vào cơ thể  cho mỗi người mỗi tuần có thể chấp nhận được đối với phơi nhiễm nhôm qua thực phẩm là 2 mg/kg thể trọng/tuần. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu lượng nhôm nạp vào quá mức sẽ xảy ra những ảnh hưởng nhất định đến hệ trung khu thần kinh, nhất là với chứng trì độn tuổi già. Ngoài ra, nó sẽ còn làm tổn hại sự phát triển thần kinh trẻ nhỏ, dẫn đến trở ngại phát triển trí lực. Từ đó, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) ước tính lượng nhôm phơi nhiễm tối đa có thể có đối với trẻ nhỏ khi sử dụng hoàn toàn sản phẩm  dinh dưỡng là 0,49 - 0,56 mg/kg thể trọng/tuần, thấp hơn so với ngưỡng an toàn của JECFA nêu trên. 

Các cơ quan quản lý cần làm tốt chức năng giám sát, kiểm tra cho các sản phẩm dinh dưỡng quan trọng này để kịp thời phát hiện nguy cơ nếu có, từ đó cảnh báo người dân trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.