Kết thúc phiên tòa phúc thẩm vụ án Đoàn Văn Vươn

Sửa một phần bản án sơ thẩm

ANTĐ - Sau hai ngày (29 và 30-8) mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "Giết người" và “Chống người thi hành công vụ”, chiều qua 30-7, HĐXX của TAND Tối cao đã tuyên án đối với 6 bị cáo liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) vào ngày 5-1-2012. 

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án

Để xét xử đúng người đúng tội, trước khi tuyên phạt các bị cáo, HĐXX đã xem xét lại toàn diện nội dung vụ án. Tại phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo, bị hại và người liên quan, cơ quan công tố có đủ căn cứ kết luận: Với mục đích chống đối, nhằm chuyển vụ án dân sự, hành chính sang hình sự, các bị cáo đã bàn bạc, đặt mìn, bắn súng, mặc dù nhận thức rõ hành vi bắn súng vào đoàn cưỡng chế gây nguy hiểm đến tính mạng của các bị hại và người thân, nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi. Nhiều người trong tổ công tác bị thương, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của các bị cáo. Do đó, hành vi của bị cáo bị truy tố phạm vào tội "Giết người" là có căn cứ, không oan.

Đối với hai bị cáo Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương tiếp nhận chung ý chí của bị cáo Đoàn Văn Vươn, Quý, Sịnh, về việc chống lại lực lượng cưỡng chế, đã mua mũ len và một số vật dụng khác để tham gia cản trở đoàn cưỡng chế, nên việc truy tố hai bị cáo này về tội “Chống người thi hành công vụ” là có căn cứ pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 5-4-2013, HĐXX - TAND TP Hải Phòng tuyên phạt các bị cáo những hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo, đã được HĐXX xem xét, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Do vậy, việc các bị cáo kháng cáo lại bản án sơ thẩm là hoàn toàn không có cơ sở.

Cùng quan điểm với đại diện Viện Kiểm sát, HĐXX cũng cho rằng, một số lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm cơ bản phù hợp với lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, nên HĐXX xét những nội dung kháng cáo của các bị cáo là không có cơ sở. Đối với tội “Giết người”, tuy hậu quả chết người không xảy ra nhưng các bị cáo vẫn bị truy tố phạm tội “Giết người” trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, trong vụ án này, các bị cáo đều có quan hệ huyết thống là anh em, vợ chồng trong một gia đình...

Bên cạnh đó, HĐXX sơ thẩm chưa áp dụng Điều 20, Điều 53 - BLHS xem xét vai trò đồng phạm của từng bị cáo, nên HĐXX cấp phúc thẩm cũng cần xem xét lấy làm tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo. Vì các lẽ trên, HĐXX tuyên không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo Vươn, Quý, Báu và Thương; chấp nhận nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ. HĐXX tuyên sửa một phần nội dung bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Vươn, Quý cùng mức án 5 năm tù (giữ nguyên bản án sơ thẩm); tuyên phạt bị cáo Sịnh 2 năm 9 tháng tù (giảm 9 tháng so với bản án sơ thẩm); tuyên phạt bị cáo Vệ 19 tháng tù (giảm 5 tháng so với bản án sơ thẩm). Hai bị cáo còn lại là Nguyễn Thị Báu bị tuyên phạt 18 tháng tù và Thương 15 tháng tù, nhưng đều cho hưởng án treo.