Sửa Luật Giáo dục: Liệu "học phí" có được đổi tên thành "học giá"?

ANTD.VN - Bên cạnh những nội dung quan trọng, có một vấn đề tuy nhỏ nhưng lại thu hút sự quan tâm của dư luận khi dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học được cho ý kiến tại Quốc hội trong tuần tới, đó là học phí có bị điều chỉnh theo Luật giá và được gọi là “học giá” hay không?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng và ông Nguyễn Đức Cường (Bộ GD&ĐT) trao đổi với báo chí về dư thảo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi

Trao đổi với báo chí trước khi 2 dự thảo luật quan trọng của ngành GD&ĐT là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học sẽ được Quốc hội thảo luận giữa tuần tới (dự kiến ngày 30-4), đại diện của Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ khá thẳng thắn xung quanh việc sử dụng thuật từ “học phí” hay “học giá”.

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT cho biết, trước đây cơ chế thu, quản lý, sử dụng học phí thực hiện theo Pháp lệnh phí và lệ phí. Theo đó, học phí phải được ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước và phải nộp vào kho bạc nhà nước để theo dõi, quản lý theo quy định.

Tuy nhiên, năm 2015, Quốc hội đã ban hành Luật Phí, lệ phí trong đó bỏ học phí ra ngoài danh mục phí, lệ phí do nhà nước quản lý và coi học phí là giá dịch vụ giáo dục và đào tạo. Điều này cũng có nghĩa, học phí thuộc phạm vi điều chỉnh bởi Luật Giá. Cơ chế thu, quản lý sử dụng học phí được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá và tính đúng, tính đủ.

Do vậy, cũng giống như việc đổi từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT”, trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, quy định về học phí sẽ được sửa đổi để phù hợp với Luật Giá.

Dự thảo luật này còn quy định theo hướng cho phép các cơ sở giáo dục ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục công lập thì được cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao và chủ động xây dựng mức thu học phí tương xứng.

Vậy khi chuyển “học phí” từ “phí” sang "giá" theo phạm vi điều chỉnh của Luật Giá thì Bộ GD&ĐT có đề xuất đổi “học phí” thành “học giá” hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Cường cho biết, dù bản chất là tính theo giá nhưng Bộ vẫn đề xuất giữ nguyên từ “học phí” vì từ này người dân đã dùng quen, giống như luật khám chữa bệnh thì vẫn dùng là “viện phí”.

Làm rõ thêm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, dùng từ “Giá dịch vụ đào tạo hay Giá dịch vụ tuyển sinh” thì không thông dụng và có thể không đi vào cuộc sống.

“Luật ta có gọi thế nào thì trên thực tế, các trường vẫn gọi đó là học phí. Những biểu mẫu hay giao tiếp trong quá trình đóng góp, thu tiền cũng không bao giờ gọi tên khác đi. Do vậy, cứ nên dùng cách gọi thông dụng, ngắn gọn và được cuộc sống chấp nhận chứ không nên lụy vào một từ hình thức là giá” – bà Phụng nói.

ĐBQH Phạm Tất Thắng trả lời báo chí về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

Cũng liên quan đến 2 dự thảo Luật quan trọng nói trên của ngành GD&ĐT, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ĐB Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, nếu đưa đề xuất tăng lương cho giáo viên vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi thì khó khả thi.

Lý do, theo ĐB Thắng, tăng lương, xây dựng bảng lương riêng cho đội ngũ giáo viên với mức thu nhập cao là mong muốn chính đáng và cần thiết, song nó cũng có thể tác động đến tâm lý của các ngành nghề khác, nhất là nguồn lực dành cho cải cách tiền lương chắc chắn sẽ khó khăn bởi đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục hiện chiếm số lượng lớn nhất trong hệ thống công chức, viên chức của Việt Nam.

“Tuy nhiên, thời điểm này là lúc chúng ta thực hiện nghị quyết Trung ương 7, trong đó có xác định lại việc xây dựng lại hệ thống thang bảng lương cho đội ngũ công chức, viên chức. Hai việc diễn ra ở thời điểm này, thì có thể thực hiện được” – ĐB Phạm Tất Thắng nói.