Sửa luật để khơi thông dòng vốn

(ANTĐ) - Trong ngày đầu tiên của tuần làm việc thứ 3, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và các ủy ban của QH về 4 dự án luật: Luật Bưu chính, Luật Nuôi con nuôi, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bưu chính.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII:

Sửa luật để khơi thông dòng vốn

(ANTĐ) - Trong ngày đầu tiên của tuần làm việc thứ 3, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và các ủy ban của QH về 4 dự án luật: Luật Bưu chính, Luật Nuôi con nuôi, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bưu chính.

Ai quyết định việc cho con nuôi?

Dự thảo Luật Nuôi con nuôi trình QH lần này không quy định hai hình thức (gồm “nuôi con nuôi đơn giản” và “nuôi con nuôi trọn vẹn”) như trước; nhằm bảo đảm cho trẻ em không bị hạn chế cơ hội tiếp tục duy trì quan hệ với cha mẹ đẻ và gia đình gốc.

Đáng lưu ý, bản dự thảo đưa ra một quy trình giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài hoàn toàn mới. Theo đó, một hội đồng tư vấn do Giám đốc Sở Tư pháp địa phương làm Chủ tịch sẽ tư vấn cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài.

Cơ sở nuôi dưỡng không trực tiếp tham gia vào việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài mà chỉ hỗ trợ, hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc giới thiệu trẻ; đồng thời được tiếp nhận viện trợ từ thiện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ việc nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở. 

Theo dự thảo mới, các đối tượng chính sách sẽ được tạo điều kiện vay vốn

Theo dự thảo mới, các đối tượng chính sách
sẽ được tạo điều kiện vay vốn

Tăng thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước

Điều chỉnh, mở rộng nhiệm vụ và quyền hạn của NHNN cho phù hợp với yêu cầu thực tế là định hướng được thể hiện rõ nét trong bản dự thảo Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi). Đơn cử, dự luật đã mở rộng phạm vi giám sát của NHNN đối với toàn bộ hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), kể cả TCTD nước ngoài hoạt động tại VN, công ty con, công ty liên kết của TCTD.

Dự thảo luật cũng quy định rõ thẩm quyền của NHNN trong việc can thiệp, xử lý sớm các TCTD có vấn đề nhằm ngăn chặn kịp thời những khả năng đổ vỡ để bảo đảm sự an toàn của cả hệ thống các TCTD; cụ thể hóa các chế tài áp dụng đối với các TCTD vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Theo Tờ trình Luật các TCTD (sửa đổi) của Chính phủ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trình bày trước QH, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã được mở rộng từ chỗ chỉ điều chỉnh về tổ chức và hoạt động đối với các TCTD sang điều chỉnh về thành lập, tổ chức, quản lý, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại và giải thể của các tổ chức  tín dụng, trong đó nội dung “quản lý” là sự thay đổi lớn nhất.

Dự thảo luật có sự phân biệt giữa các ngân hàng làm chức năng kinh doanh (chủ yếu là các ngân hàng thương mại thuộc nhiều thành phần sở hữu khác nhau) và các ngân hàng làm chính sách (NH Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam), từ đó, nới lỏng những quy định quá chặt chẽ đối với các ngân hàng chính sách vốn hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tạo điều kiện cho dòng vốn chảy mạnh hơn tới các đối tượng chính sách.

Cẩn trọng với thương hiệu “Bưu chính”

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bưu chính, ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP Hồ Chí Minh) đề nghị làm rõ khái niệm “dịch vụ bưu chính” với các dịch vụ tương tự khác như chuyển phát nhanh, vận tải có giao - nhận hàng hóa. “ở các nước, việc phát thư dưới 2kg là dịch vụ dành riêng cho bưu chính Nhà nước, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn “hớt váng” phần dễ làm (như phát chuyển nhanh trong các thành phố lớn với mức phí cao).

Có trường hợp DN sử dụng xe có logo “Bưu chính” mập mờ để chở hàng nhập lậu, qua mắt các lực lượng kiểm tra”, ông Dũng nhận xét. ĐB này còn phản ánh: “Riêng tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 200 DN chuyển phát vẫn đang “vô tư” vi phạm các dịch vụ dành riêng cho bưu chính. ở nhiều nước như Thái Lan hay Singapore, hành vi này bị phạt rất nặng”. Một số quy định khác đang khiến các cán bộ nhân viên ngành này lúng túng khi thực thi nhiệm vụ như việc xử lý các bưu kiện, bưu phẩm thiếu cước cũng được ĐB đề nghị bổ sung vào luật.

Chính Trung