Sữa học đường: Sản phẩm không đủ thời hạn sử dụng 4 tháng trở lên có thể trả lại

ANTD.VN - Nhiều băn khoăn về chất lượng sản phẩm; quy trách nhiệm trong trường hợp xảy ra vấn đề; học sinh béo phì có nên uống sữa hay uống sữa vào thời điểm nào; sữa bảo quản ra sao, yêu cầu kho bãi thế nào… đã được các chuyên gia trao đổi với gần 10.000 thầy cô giáo trực tiếp tham gia chương trình sữa học đường của Hà Nội.

Để triển khai chương trình sữa học đường an toàn, hiệu quả khi Hà Nội có tới 1.847 trường và 2.509 nhóm trẻ tham gia chương trình sữa học đường, dự kiến bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2019, Sở GD-ĐT Hà Nội đang phối hợp với Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk tập huấn cho các cán bộ nhân viên trực tiếp tham gia chương trình.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, gần 10.000 người, bao gồm đại diện Ban giám hiệu các trường, thầy cô, nhân viên và đại diện phụ huynh đã được trực tiếp tư vấn tại 30 quận huyện, thị xã.

Tại buổi tập huấn sáng 12/12 ở quận Tây Hồ, nhiều giáo viên đã đưa ra các thắc mắc xung quanh chương trình này như làm thế nào để bảo đảm chất lượng sản phẩm, quy trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề, học sinh béo phì có nên uống sữa hay uống sữa vào thời điểm nào, bảo quản ra sao, yêu cầu kho bãi thế nào…

Gần 10.000 cán bộ, giáo viên được tập huấn triển khai chương trình sữa học đường Hà Nội

Ông Kiều Cao Trinh, Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, nội dung khiến nhiều quận huyện thắc mắc nhất là trách nhiệm các bên khi tham gia chương trình sữa học đường cùng cách xử lý khi có vấn đề xảy ra.

Ông Trinh cho biết, quy định về trách nhiệm các bên đã được quy định rất chi tiết trong hợp đồng cung cấp sản phẩm, trong trường hợp xảy ra sự việc cụ thể, sẽ có đơn vị thanh tra, kiểm tra đến làm rõ trách nhiệm sai ở khâu nào, lỗi thuộc về ai…

“Chúng tôi khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát triển khai sữa học đường ở tất cả các khâu bảo quản, tiếp nhận, chuyển giao đến từng học sinh vì dù Vinamilk hiện đã triển khai cung cấp sữa học đường cho 10 tỉnh thành phố và đến thời điểm này chưa xảy ra bất cứ trường hợp đáng tiếc nào nhưng vẫn phải chủ động giám sát, kiểm tra.

Để đánh giá chất lượng sản phẩm, phụ huynh có thể niêm phong bất cứ hộp sữa nào thuộc sản phẩm của chương trình sữa học đường với sự chứng kiến của đại diện nhà trường để đem đi giám định” – ông Trinh chia sẻ. 

Đại diện giáo viên trường Mầm non Bình Minh, quận Tây Hồ thắc mắc, Chương trình quy định học sinh uống hết sữa ở trường nhưng trẻ mầm non thường nghỉ học đột xuất thì giáo viên có thể chuyển cho phụ huynh sữa mang về hay không?

“Nếu học sinh đến trường nhưng không uống thì không được mang về. Với học sinh bị ốm thì khuyến  khích các trường gửi về nhà nhưng nếu không gửi được thì cũng không ảnh hưởng bởi lượng sữa cung cấp sẽ được cân đối đưa về trường phù hợp với mức sử dụng của trẻ” – ông Trinh trả lời.

Đại diện công ty Vinamilk cho biết, với sản phẩm sữa học đường, công ty cam kết sản phẩm đưa đến trường có hạn sử dụng ít nhất là 4 tháng. "Nếu nhà trường phát hiện bất cứ sản phẩm nào có thời hạn sử dụng ít hơn mức này thì cứ dứt khoát trả lại công ty.

Chúng tôi đảm bảo sữa học đường không phải là sản phẩm gần hết thời hạn sử dụng. Theo kế hoạch, cứ nửa tháng công ty sẽ vận chuyển sữa đến trường để đảm bảo chất lượng sản phẩm trong khâu bảo quản cũng như thuận lợi về việc hoàn thành sổ sách, giấy tờ từ phía nhà trường" - đại diện công ty này chia sẻ.

Với câu hỏi nên cho học sinh uống sữa vào thời điểm nào thì tốt? TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nhiều phụ huynh cho rằng, nên cho con họ uống sữa ngay buổi sáng để không cần ăn sáng, tuy nhiên bữa sáng rất quan trọng, cần đảm bảo năng lượng nhất định nên uống sữa không đủ. Nên cho học sinh uống vào bữa phụ chiều vì từ khi kết thúc giờ học đến 7 giờ tối mới ăn tối trẻ sẽ bị đói.

Ngoài việc giải đáp trực tiếp các băn khoăn nói trên, các chuyên gia dinh dưỡng và đại diện Công ty Vinamilk còn cung cấp các kiến thức về thực trạng chiều cao của người Việt so với các nước trong khu vực, từ đó thấy được lợi ích và mục đích nhân văn lâu dài mà chương trình nhắm đến để thấy được sự cần thiết thực hiện Đề án Sữa học đường tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 27/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chỉ đạo, Chương trình Sữa học đường tại các nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội sẽ chính thức được thực hiện từ ngày 1-1-2019.

Để triển khai chương trình này hiệu quả, ông Ngô Văn Quý yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội cần hướng dẫn quy trình thực hiện Chương trình Sữa học đường tại các nhà trường, trong đó nêu rõ những quy định về kho chứa, phương án tiếp nhận và bảo quản, tổ chức uống, quy trình uống, cách xử lý vỏ hộp, công tác kiểm tra, giám sát...