Sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về thi đua, khen thưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tại dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện và phù hợp với thực tiễn.
Những đại biểu tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X
Những đại biểu tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tại dự thảo tờ trình, cơ quan soạn thảo cho biết, sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi để hoàn thiện hơn các quy định của Luật cho phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, việc tổ chức triển khai một số phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng còn chưa cao, một số nơi phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị; việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời; nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua chưa cụ thể, rõ ràng, việc công nhận danh hiệu thi đua chưa thống nhất.

Thực tiễn một số danh hiệu thi đua chưa được quy định trong Luật nhưng đã đi vào cuộc sống và có tác dụng động viên kịp thời, cần được bổ sung vào Luật để tạo cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện...

Để khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi một số nội dung về thi đua, khen thưởng. Cụ thể như, về danh hiệu Chiến sĩ thi đua, dự thảo đã quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua; bổ sung tiêu chuẩn “có đề án khoa học” vì trên thực tế có nhiều cá nhân có Đề án nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu và được áp dụng có hiệu quả;

Bỏ từ “nhất” trong cụm từ “tiêu biểu xuất sắc nhất”, vì trên thực tế việc so sánh, đánh giá tiêu biểu “nhất” giữa các cá nhân trong bộ, ngành, địa phương chưa có tiêu chí chung để thực hiện, nhất là đối với các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc cá nhân xét tặng danh hiệu thi đua gồm nhiều đối tượng khác nhau (công nhân, nông dân, công chức) trong cùng một địa phương.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn về hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến hoặc đề án khoa học, đề tài khoa học đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh” và thẩm quyền công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến hoặc đề án khoa học, đề tài khoa học.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”. Việc bổ sung danh hiệu thi đua này xuất phát từ thực tế tại địa phương đã thực hiện tặng danh hiệu thi đua này trong nhiều năm, đã phát huy hiệu quả. Vì vậy, cần bổ sung vào Luật để tạo cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện.