Sữa bột bị tẩy hạn sử dụng

ANTĐ - Hơn 6.000 hộp sữa bột đã được tẩy xóa, sửa chữa hạn sử dụng vừa bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, thu giữ. Những hành vi vi phạm kiểu này cần phải siết chặt hơn nữa vì một khi sữa bị tẩy “date”, chất lượng có thể biến đổi, gây hại cho người sử dụng.

Thông tin rõ ràng là ưu thế của sữa nội

“Chế” hạn sử dụng - không khó

Về công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, bà Phạm Thị Vĩnh Hà- Đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tạm giữ 35.482 đơn vị sản phẩm sữa các loại với vi phạm chủ yếu là hàng nhập lậu, nhãn hàng hóa và quá hạn sử dụng.

Vụ việc điển hình là Đội Quản lý thị trường Chống buôn lậu (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang), phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Bắc Giang) kiểm tra và phát hiện Công ty T., có các sản phẩm bị tẩy xóa hạn sử dụng của nhà sản xuất, in lại hạn sử dụng trên các hộp sữa. Tổng số là 6.852 hộp sữa H; trong đó 6.612 hộp đã tẩy xóa sửa chữa hạn sử dụng, 240 hộp còn nguyên hạn sử dụng của nhà sản xuất.

Ngoài ra, lực lượng liên ngành còn thu giữ máy phun chữ, súng bắn keo, chất tẩy rửa, 93 nhãn hàng hóa ghi hạn sử dụng, xuất xứ dùng để dán lên bao bì sản phẩm để phục vụ cho việc “thay áo mới” cho sản phẩm sữa. Nếu không bị phát hiện kịp thời, gần 7.000 hộp sữa này sẽ được lưu thông ra thị trường, chất lượng khó đảm bảo và người tiêu dùng bị ảnh hưởng trực tiếp.

Theo các chuyên gia, đối với sản phẩm sữa, hạn sử dụng là thứ dễ làm giả nhất và thường làm giả ngày hết hạn. Nếu thấy có yếu tố cạo sửa và mực in hạn sử dụng bị nhòe thì là sữa giả. Nếu ngày sản xuất và hạn sử dụng không khớp tròn 2 hoặc 3 năm thì chắc chắn hạn sử dụng đã bị can thiệp.

Quy định vừa thiếu, vừa chồng chéo

Bà Nguyễn Thị Minh Hà- Phó Giám đốc Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế) cho biết, mặc dù trên thị trường có rất nhiều chủng loại, dòng sản phẩm sữa, song hiện Bộ Y tế mới chỉ ban hành được 5 quy chuẩn, gồm quy chuẩn sữa quốc gia về sữa dạng lỏng, sữa dạng bột, sữa lên men, sữa công thức dành cho trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi và dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi. “5 quy chuẩn trên chưa đủ để quản lý và kiểm soát thị trường, khiến cho các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, khi có những doanh nghiệp “lách luật” để hạn chế sự kiểm soát của Nhà nước về chất lượng và giá cả các sản phẩm sữa. Sắp tới sẽ ban hành thêm nhiều quy chuẩn cho các loại sữa, để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm”- Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho hay. 

Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Vĩnh Hà ví dụ, để lách trần giá sữa, có doanh nghiệp đã gọi cùng một sản phẩm sữa với 10 tên khác nhau, như: sữa trẻ em có nguồn gốc từ sữa chua, thực phẩm bổ sung, sữa chua dạng bột… Lực lượng chức năng rất “đau đầu” khi xử lý các vấn đề này. Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy định, hướng dẫn nhưng vẫn còn chồng chéo, không phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành và chưa phủ hết các lĩnh vực, có khoảng trống giữa các khâu trong trách nhiệm quản lý liên tục một loại sản phẩm. “Các cơ sở thực hiện ghi nhãn không đúng với tên sản phẩm trên hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Song các nhãn sản phẩm này đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm và xác nhận cho phép sử dụng. Vì vậy, mặc dù bị phát hiện vi phạm nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý được” - đại diện Cục Quản lý thị trường nói.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) vừa tiến hành điều tra giá 25 sản phẩm sữa bán lẻ tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước sau khi quy định áp giá trần với sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu lực. Kết quả cho thấy có 2 sản phẩm là Enfagrow A+ 3 vanilla loại 1800 gam và 900g; Enfamilk A+1 loại 400g giá bán lẻ cao hơn mức trần cho phép. Vinatas cho biết thêm, việc quản lý giá sữa còn những kẽ hở để người kinh doanh lợi dụng móc túi người tiêu dùng.