Sự vô cảm chết người

ANTĐ - Khi hay tin, cụ Hà Thị Cầu qua đời, nhìn gia cảnh cụ GS - TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phải chua xót thốt lên: “Một sự vô cảm chết người”. Và chúng ta đã có không ít nghệ nhân - những “báu vật sống” ra đi mà chưa một lần được thấy sự trân trọng dành cho mình.

Suốt 20 năm Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam miệt mài đơn từ đề nghị Nhà nước công nhận 2 danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, Nghệ nhân Ưu tú nhưng chả hiểu vì sao vẫn chưa được chấp thuận. Cũng từ năm 2002, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho hơn 150 nghệ nhân. Nhưng có chăng chỉ là sự động viên tinh thần, còn chính sách đãi ngộ hầu như chưa có.

Có thể lấy ngay quan họ ra làm dẫn chứng, từ năm 2002, tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần đề xuất lập dự án nhằm hỗ trợ những nghệ nhân quan họ, nhưng cứ tìm cách triển khai lại vướng. Người ta đổ tại thông tư xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT chồng chéo với Thông tư xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT dành cho các nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống của Bộ Công Thương rồi còn Luật Di sản... Thế nên, 10 năm nay, Bộ VH-TT&DL vẫn chưa ban hành nổi chế độ đãi ngộ cho Nghệ nhân Dân gian. Mỗi năm chúng ta tốn nhiều tỷ đồng để đem văn hóa Việt Nam đi “thi di sản” nhưng đối với những người đang lưu giữ những di sản đó lại chẳng hề có danh hiệu nào cho họ và danh hiệu không có thì chế độ đãi ngộ cũng không. Liền anh quan họ nổi tiếng Nguyễn Đức Sôi, nghệ nhân nhã nhạc cung đình Huế Trần Kích, nghệ nhân kèn saranai Trượng Tốn… và mới đây nhất là nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã vĩnh viễn ra đi trong khi các loại văn bản, các loại Luật, các loại Thông tư vẫn đang nằm trên bàn giấy, vẫn đang giai đoạn… bàn thảo.

Nhà văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ khi nói về việc cần phải có các chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian đã ngậm ngùi: “Nghệ nhân dân gian đích thực là báu vật sống. Một xã hội ưu việt như chúng ta có mục đích là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh chắc chắn sẽ cố gắng hết sức mình không để tình trạng đó xảy ra như các chế độ khác. Rất tiếc, đây đó vẫn cứ xảy ra”. 

Trong dân gian còn rất nhiều những nghệ nhân cao quý, họ theo nghiệp chỉ vì muốn được sống với niềm đam mê của mình. Họ sống giản dị, thậm chí nghèo khổ, nhưng nhiều khi họ không đòi hỏi một chế độ vật chất, mà họ cần được công nhận, cần một sự ghi danh. Mà sự ghi danh ấy, nhiều khi không phải để dành cho họ mà để dành cho thế hệ sau này biết đến những di sản và những người tâm huyết bảo vệ di sản để từ đó có trách nhiệm bảo vệ di sản.

Còn nhớ, có đận cụ Hà Thị Cầu bị ốm, nghe đâu có khối u, Báo An ninh Thủ đô đã cùng với Bệnh viện K đưa xe ô tô cùng bác sĩ về tận Yên Mô, Ninh Bình nơi có căn nhà nhỏ tuềnh toàng để khám bệnh  cho cụ và mời cụ lên Bệnh viện K để làm các xét nghiệm và điều trị miễn phí. Nhưng thật bất ngờ, cụ cảm ơn sự tận tình của các bác sĩ Bệnh viện K và Báo ANTĐ, cụ từ chối. Cụ bảo cụ không đi vì như thế lại khổ con cháu phải đi theo mà cụ cũng không muốn xa cái đàn nhị đã bao năm gắn bó. Ở nhà thích hát lúc nào thì hát, cứ làm chén rượu nhạt và hát là khỏi bệnh. Nói chuyện này để thấy rằng, những nghệ nhân, điều mà họ cần không phải là khoản hỗ trợ mà các cơ quan chức năng vẫn hứa hẹn trong bao năm qua mà chính là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của họ. Đừng để các cụ nghệ nhân phải cười buồn: “Sống thì cơm chẳng cho ăn, chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi”.