Muôn mặt Myanmar (1)

Sự tương phản giàu nghèo

ANTĐ - Quy định cấm xe máy lưu thông tại các thành phố lớn mang đến diện mạo sáng sủa cho giao thông Myanmar. Nhưng ở góc nhìn khác, bức tranh giao thông phản ánh rõ rệt sự phân cấp và khoảng cách giàu nghèo của người dân tại đất nước có thu nhập bình quân thấp nhất Đông Nam Á này.

Sự tương phản giàu nghèo hiện rõ trong bức tranh giao thông Myanmar

Món đồ trang sức của đất nước nghèo

Cố đô Yangon là thành phố sầm uất nhất Myanmar, niềm tự hào của xứ sở Chùa Vàng. Đến với Yangon, ấn tượng đầu tiên là giao thông nơi đây rất quy củ, thoáng đãng. Hạ tầng giao thông được quy hoạch tốt, các trục đường có từ 4-8 làn. Cây xanh phủ khắp thành phố tạo cảm giác xanh sạch. Lệnh cấm xe máy lưu thông tại các thành phố lớn được Chính phủ Myanmar áp dụng từ năm 2008 khiến bộ mặt giao thông của đất nước nông nghiệp này thêm phần ấn tượng. Khó có thể ngờ một đất nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất Đông Nam Á lại thường xuyên sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển, chẳng khác gì các nước phát triển. 

Một điểm khá thú vị, ở Yangon chỉ có duy nhất một hãng taxi có tên City. Những người có xe muốn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này sẽ đăng ký với City Taxi, rồi hoạt động độc lập. Bởi vậy, phí dịch vụ này không theo một mức chung nào mà tự thỏa thuận giữa lái xe và khách hàng. Tuy nhiên, du khách cũng không phải quá lo lắng vì họ thường không “nói thách” quá cao. Mức giá taxi ở Yangon xấp xỉ mức giá ở Việt Nam và những lái xe nơi đây ứng xử khá thân thiện, trách nhiệm và hầu như không có chuyện “chặt chém”, ép giá hoặc lừa đảo khách. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp hình ảnh giao thông     Yangon và Myanmar nói chung thân thiện trong mắt khách quốc tế. Điều đặc biệt cần phải ghi nhận là người dân        Myanmar rất có ý thức tham gia giao thông. Ngoài việc tuân thủ nghiêm chỉnh luật lệ, người dân tham gia giao thông một cách ôn hòa, không có xung đột, cãi vã ngay cả những lúc xảy ra va chạm hay tắc đường giờ cao điểm. Người dân   Myanmar coi giao thông Yangon như thứ đồ trang sức có thể mang ra “khoe” với khách quốc tế, với đầy vẻ tự hào. 

Những vệt mờ trên viên kim cương

Nhưng thứ đồ trang sức hào nhoáng đó không thể che đi hình ảnh đất nước Myanmar còn nghèo nàn, thậm chí giao thông còn là bức tranh phản ánh khoảng cách giàu nghèo. Trước năm 2009, Myanmar cấm nhập khẩu ô tô nên đa số xe hơi tại nước này đều là xe cũ và rất cũ. Xe chủ yếu xuất xứ từ Nhật Bản từ các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, thậm chí có nhiều xe thập niên 50, 60 với đủ các thương hiệu. Từ năm 2010 trở lại đây, các công ty tư nhân được phép nhập khẩu xe, nhưng cũng từ đó mà sự phân cấp giàu nghèo trở nên rõ rệt hơn. Chuyện sắm một chiếc ô tô mới là giấc mơ không tưởng với đa số người dân Myanmar. So với Việt Nam, mức giá ô tô ở đây cao gấp 1,5 lần trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/2. Đặc biệt từ khi Chính phủ Myanmar áp dụng lệnh cấm xe máy được lưu thông tại các thành phố lớn, những người dân nghèo chỉ còn cách chọn xe buýt rẻ tiền hoặc xe đạp thồ làm phương tiện di chuyển.

Trái ngược với những làn xe nườm nượp nối đuôi nhau chạy trên đường là hình ảnh những người dân nghèo đu bám, chen chúc trong những chiếc xe buýt rẻ tiền. Cảnh cả chục người cùng đẩy một chiếc xe buýt chết máy dọc đường là khá phổ biến. Xe máy bị cấm nên để tiết kiệm tối đa chi phí di chuyển, nhiều người chọn đi xe đạp thồ thay vì xe buýt. Càng về những vùng ngoại thành, đặc biệt các huyện thị xa xôi, phương tiện xe đạp thồ càng phổ biến, trong khi lượng ô tô, xe buýt thưa thớt dần. Còn tại cố đô sầm uất nhất Myanmar - Yangon, hình ảnh những chiếc xe đạp thồ chở 3-4 người di chuyển song hành với những làn ô tô xuôi ngược trên đường phố Yangon hẳn tạo cho du khách một cảm nhận khác về món đồ trang sức - giao thông, cũng như sự phân hóa giàu nghèo nơi đây.

(Còn tiếp)