Đạo diễn Trần Văn Thủy

“Sự tử tế giờ… ít hơn xưa”

ANTĐ - Năm 1987, nhiều  người đã phải xếp hàng để được xem một bộ phim tài liệu, đó là “Chuyện tử tế”. Để đến được với đông đảo công chúng, tác phẩm đã trải qua một chặng đường sóng gió. Sau gần 30 năm, đạo diễn Trần Văn Thủy lại một lần nữa bàn về “sự tử tế”, đề tài tưởng như “chẳng có gì phải bàn”, nhưng vẫn vẹn nguyên độ “nóng”.  

Người cựu chiến binh chữa xe trong “Chuyện tử tế”

1. Chữ “tử tế” không thể tìm thấy trong tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, hay tiếng Đức, đạo diễn Trần Văn Thủy - cha đẻ của bộ phim tài liệu gây chấn động dư luận những năm sau đổi mới dẫn giải. “Tử tế” theo tiếng Hán có nghĩa là cẩn thận, tỉ mỉ đến những điều nhỏ nhất. Khi được Việt hóa, nó được dùng với nghĩa rộng hơn, là tốt bụng, là cư xử đúng đắn... Nói về sự tử tế đã “chuyển dịch” như thế nào trong xã hội xưa và nay, Trần Văn Thủy đúc kết trong hai chữ “lòng tin”. Vị đạo diễn hồi tưởng: “30 năm trước, ai cũng biết đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam khó khăn đến mức nào. Ra đường không có mấy xe máy, đi xe đạp, đi bộ là chính, không có điện thoại, vi tính… Nhưng lòng tin thì có. Giờ cái gì cũng hiện đại hơn, giàu có hơn, sang trọng hơn nhưng lòng tin thì lại ít đi. Cách đây 30 năm không có chuyện “rùng mình” bác sỹ ném xác bệnh nhân, rồi tham nhũng, mua chức mua quyền... Như thế, “sự tử tế” thời nay ít hơn xưa”.

2. Để chứng minh cho luận điểm của mình, đạo diễn Trần Văn Thủy viện dẫn, năm 1992, ông được phía Nhật Bản đặt hàng và tài trợ cho một bộ phim nhựa, với yêu cầu duy nhất là phản ánh chân thực đời sống người dân Việt Nam. Để thực hiện dự án này, ông chọn làng Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) làm bối cảnh. Ở thời điểm đó, làng Phù Lãng cực kỳ nghèo khổ, sống chủ yếu bằng nghề đất nung. Nhưng trong hoàn cảnh đó,  người dân sống với nhau hết sức tình nghĩa, cha thương con, vợ thương chồng, dì ghẻ nuôi con chồng. Và khi đưa bộ phim cho phía Nhật Bản nghiệm thu, họ đã sửng sốt và đề nghị được đổi tên phim thành “Chuyện cổ tích của đời nay”. Nguyên nhân là bởi vì “ngày trước Nhật Bản chúng tôi đã nghèo như thế, và thậm chí nghèo hơn thế. Nhưng chúng tôi tử tế hơn bây giờ”. Sau hơn 20 năm, câu nói này vẫn khiến ông vô cùng thấm thía. 

3. Theo cách nói “không khiêm tốn” của Trần Văn Thủy, bộ phim “Chuyện tử tế” đã đi vào lịch sử. Một bộ phim không có kịch bản, mà hoàn toàn chỉ là các ý tưởng được xâu chuỗi. Tất cả các câu chuyện đây đó phản ánh trong xã hội thời bao cấp, theo chính lời vị đạo diễn này, thì lại toàn là những chuyện “không tử tế”. Một cựu chiến binh chiến công oanh liệt lẫy lừng về bơm vá xe, một chiến sỹ công an nay đã đạp xích lô, một thầy giáo dạy toán rất giỏi nhưng cuối cùng lại đi… bán rau. Để làm ra được những câu chuyện “không mấy tử tế” ấy, vị đạo diễn đã gặp phải không ít sự phản kháng. Nào là người đàn ông ở lò gạch kiên quyết không cho quay phim, thậm chí còn vác gậy đuổi đánh. Rồi chính người thầy giáo đi bán rau cũng năm lần bảy lượt khước từ, chỉ đồng ý quay trong một hoàn cảnh khác, nếu ông được “ăn mặc tử tế”. Những nghịch lý tưởng như hài hước mà đầy xót xa ấy, ngẫm ra vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện đại, với không ít những số phận bất hạnh, những mảnh đời éo le. 

4. Khi làm bộ phim “Chuyện tử tế”, đạo diễn Trần Văn Thủy đã đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Thế nào là sự tử tế?”. Nhưng sau 30 năm, “sự tử tế” vẫn là một phạm trù quá rộng mà không ai cắt nghĩa được một cách đầy đủ. Tự nhận mình là người cực đoan, cái sự cực đoan đã vượt ra ngoài chính kiến, ông dường như không tin rằng không có một “sự tử tế” thực chất ở ngoài kia, nơi mà khi đồng tiền đi lên, đạo đức của con người đi xuống, thậm chí đe dọa niềm hạnh phúc mà chúng ta xứng đáng được hưởng. Có chăng, “sự tử tế” hôm nay, hay nhiều năm nữa, chẳng có định nghĩa nào cụ thể, mà đó là ý thức về sự tồn tại, sự bao bọc của nó, trong mỗi cá thể, mỗi tâm hồn.