Sự trỗi dậy của các băng nhóm kiểu mới

ANTĐ - Băng nhóm tội phạm, hay còn gọi là tội phạm có tổ chức (TPCTC) những năm trước đây thường chỉ tồn tại tại các thành phố lớn và các khu dân cư đông đúc. Nhưng nay, loại hình tội phạm này đang mọc lên như nấm sau mưa ngay cả tại những vùng quê vốn ngỡ là yên ả. Cùng với sự lan rộng ra khắp các tỉnh thành, các băng, ổ nhóm tội phạm hiện nay đang ngày càng trở nên manh động và liều lĩnh hơn.

Phiên tòa xét xử vụ án My “sói”


Xu hướng hình thành băng nhóm

Trong khoảng thời gian 6 năm (từ năm 1992 đến 1997), lực lượng công an đã phát hiện và triệt phá được 13.134 băng, ổ, nhóm tội phạm. Nhưng trong khoảng thời gian chỉ 4 năm tiếp đó (từ năm 1998 đến 2001) số băng, ổ, nhóm tội phạm bị phát hiện và triệt phá là 13.068, tương đương với 7 năm trước cộng lại. Và chỉ từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2011, theo báo cáo của Bộ Công an, chúng ta đã triệt phá, phát hiện được 5.102 băng, ổ nhóm, tội phạm.

Đáng bàn là, ở tất cả các loại tội phạm hiện đều có xu hướng hình thành băng nhóm để phạm tội từ cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, lừa đảo, cố ý gây thương tích, trộm cắp… Thậm chí, ngay cả lĩnh vực trước đây thường chỉ diễn ra phạm tội cá thể thì nay cũng hình thành băng nhóm như hiếp dâm. Vụ án My sói (SN 1996) cầm đầu một bằng nhóm chuyên “cứu nét” các thiếu nữ tuổi vị thành niên để cướp, cưỡng đoạt tài sản và hiếp dâm chính các nạn nhân này là một báo động điển hình.

Bên cạnh đó, xu hướng hoạt động của các băng nhóm tội phạm hiện nay đang ngày càng trở nên manh động, liều lĩnh. Trong đó, số lượng các vụ đòi nợ, siết nợ, thanh toán, giải quyết mâu thuẫn lẫn nhau khi lợi ích kinh tế bị xâm phạm cũng ngày một gia tăng, gây bất ổn an ninh, nhức nhối dư luận xã hội.

Nếu như trước đây, các băng nhóm TPCTC hoạt động chủ yếu tồn tại dưới hình thức tổ chức cờ bạc, bảo kê, đâm thuê, chém mướn, buôn bán ma túy... thì nay các băng nhóm tội phạm này lại đang có xu hướng sống “ký sinh” vào hệ thống tín dụng đen bằng hình thức: đòi, siết nợ thuê, giải quyết các hợp đồng kinh tế bằng “luật rừng”.

Thực tế đã chứng minh, tính đến tháng 8-2011, trong số 210 vụ cố ý gây thương tích xảy ra tại Hà Nội, có tới 109 vụ có có nguyên nhân do vay nợ chưa trả được (vay nợ tiền cờ bạc, cá độ bóng đá, vay nợ tiền của các đối tượng, đường dây cho vay nặng lãi, mâu thuẫn do làm ăn...). Các đối tượng này đã sử dụng nhiều hình thức “khủng bố” đòi tiền giúp thân chủ như dùng áp lực, đe dọa, đổ chất bẩn vào nhà, đặt vòng hoa trước của nhà... Và nếu không ăn thua, chúng sẵn sàng dùng súng, chất nổ giải quyết con nợ thẳng tay đến khi đòi được tiền mới thôi.

Các băng nhóm tội phạm hiện nay có thành phần chủ yếu là đối tượng thanh thiếu niên. Và điều đáng sợ là những đối tượng phạm tội ở độ tuổi này lại có phương thức, thủ đoạn hành xử táo tợn, hung hăng, liều lĩnh đến mức ngay cả cánh giang hồ cộm cán đôi khi cũng phải ngả mũ kính nể. Chúng sẵn sàng làm tất cả khi có lệnh của các “anh” giao như một cái máy, không cần biết đối phương là ai, tù tội chỉ là chuyện nhỏ, thậm chí nhiều vụ khi có lực lượng công an xuất hiện, chúng còn chống trả điên cuồng, quyết liệt bằng đủ các loại vũ khí như dao, súng, thậm chí là gạch, đá. Nguyên nhân của những hành động ngông cuồng ở các đối tượng này, phần nhiều bắt nguồn từ thực trạng “đập đá” đang có chiều hướng gia tăng và phổ biến ở giới trẻ hiện nay.

“Ngáo đá” hóa... “ngáo ộp”

Theo các cơ quan chức năng, nhiều vụ án với tính chất manh động, sử dụng vũ khí nóng, thanh toán nhau điên cuồng xảy ra thời gian qua có không ít đối tượng gây án đang trong trạng thái bị ảo giác và kích động mạnh sau khi phê ma tuý đá (Methamphetamine). Và ma túy đá còn là cái vòng kim cô được các đàn anh dùng để điều khiển, dễ bề sai khiển lũ trẻ này thực hiện những mưu đồ tội ác.

Báo cáo tại buổi tổng kết tình hình, kết quả công tác đảm bảo an ninh quốc gia 6 tháng đầu năm 2011 do Bộ Công an tổ chức cũng đã cho thấy sự manh động, liều lĩnh của thế hệ tội phạm mới này. Cụ thể, trong số 223 vụ thanh toán lẫn nhau liên quan đến hoạt động đòi nợ, siết nợ, giải quyết mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế mà hậu quả có tới hơn 60 người chết. Các băng nhóm tội phạm này giờ đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố hoạt động liều lĩnh, táo tợn coi thường pháp luật, sẵn sàng sử dụng vũ khí thanh toán, trả thù lẫn nhau, cùng với đó tình trạng chống người thi hành công vụ nghiêm trọng, ngang nhiên, công khai trắng trợn hơn. Đối tượng tấn công lại ngay cả khi lực lượng chức năng đã nổ súng cảnh báo; ngang nhiên hành hung lực lượng chức năng, giải cứu đồng bọn, cướp lại tang vật, sẵn sàng sử dụng hàng nóng chống trả lại lực lượng truy bắt... Mới chỉ 6 tháng đầu năm 2011 mà loại tội phạm này đã tăng tới 45% so với cả năm 2010.

Chơi dao cũng có lúc đứt tay

“Đập đá” khiến cho nhiều băng nhóm tội phạm khi thực hiện các nhiệm vụ do thân chủ giao luôn làm cháy hết mình. Nhưng đôi khi do các đối tượng này bị “ngáo đá” không điều khiển được hành vi: thân chủ bảo chửi thì chúng đánh, bảo chúng đánh cảnh cáo thì chúng lại nỡ tay đánh quá, bảo đứng yên thì lại đập phá... khiến chúng quá tay làm hỏng việc. Nhiều đối tượng đến khi sự việc xảy ra ngoài ý muốn tiền mất, tât mang mới giật mình tỉnh ngộ: chơi dao đúng là đứt tay.

T. “ken”, trùm tín dụng đen tại khu vực quận Thanh Xuân đến giờ vẫn còn chưa hết cay cú về lũ “ngáo đá” này. Số là, để thu hồi số nợ của một con nợ rắn mặt ở quận Cầu Giấy, T. “ken” đã thuê một băng chuyên đòi nợ thuê với tỷ lệ 50/50 trên tổng số tiền nợ. Tuy nhiên, để tránh nhóm đòi nợ này manh động, T. “ken” yêu cầu trước mắt chúng chỉ đi theo “tiền hô, hậu ủng” đe doạ con nợ, mọi hành động phải theo lệnh của T. Nhưng mới chỉ đến nhà con nợ lần đầu, T. đã dặn trước là không được làm gì thế mà khi con nợ thể hiện thái độ thiếu thiện chí, chẳng nói chẳng rằng, cả lũ đi theo đã ào ào xông vào nhà đập phá tài sản, đánh cho con nợ thừa sống thiếu chết. Hậu quả, cả lũ bị công an tóm. Và để nhận được đơn xin bãi nại của nạn nhân, T. đã phải tốn không ít tiền đền bù thiệt hại và cay đắng đồng ý xóa nợ cho nạn nhân.

Dở khóc, dở cười nhất phải kể đến vụ Vũ Thị Nghĩa, một chủ doanh nghiệp ở Vũng Tàu, do không đòi được tiền của một đối tác ngoài Hà Nội. Nghĩa đã thuê Lê Anh Tuấn (SN 1981) ở Tây Hồ, Hà Nội cùng “đàn em” dùng “luật rừng” để đòi tiền. Nhưng oái ăm ở chỗ, sau khi đòi được nợ, chính Nghĩa lại trở thành nạn nhân của nhóm đòi nợ này khi chúng bắt giữ luôn cả “khách hàng” của mình đòi thêm 30 triệu đồng tiền công và phải nhờ đến lực lượng công an giải cứu, Nghĩa mới thoát khỏi cái mớ “luật rừng” do chính mình tạo ra.

Có lẽ giờ này, ngồi trong trại giam, Lê Thị Hiệp (56 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) vẫn không hiểu tại sao: hợp đồng thuê giang hồ chỉ yêu cầu đánh chồng mình gãy tay vì tội ngoại tình vậy mà chúng lại nỡ tay cắt cổ lấy luôn mạng người. Tiền mất, chồng cũng mất, án tù trước mặt dài đằng đẵng không biết ngày về.

Sau bao uất ức bị dồn nén về người chồng bội bạc, bà Hiển đã tìm tới Phạm Hùng Lâm (43 tuổi, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) thuê đối tượng này đánh “dằn mặt” chồng. Theo đó, Lâm ra giá, nếu nhóm của Lâm gây thương tích cho ông Đường  ở chân thì giá là 70 triệu đồng, tay 30 triệu, còn "đi thẳng" là 100 triệu. Bà Hiển đề nghị Lâm chỉ đánh chồng mình gây thương tích ở tay. Thỏa thuận là vậy, thế mà không hiểu tại sao nhóm của Lâm khi “dằn mặt” ông Đường lại vung dao chém ngọt một nhát vào cổ khiến ông Đường “đi thẳng”. Đến khi sự việc xảy ra, bà Hiển chưa hết ngỡ ngàng thì đã bị bắt giam, những giọt nước mắt ân hận vì trót gieo nhầm “niềm tin” cho... ác quỷ giờ có chảy thì cũng đã quá muộn.

Trấn áp không chưa đủ

Trước tình hình hoạt động phức tạp của các băng, ổ, nhóm tội phạm diễn ra trong thời gian qua, lực lượng công an đã mở hàng loạt các đợt cao điểm trấn áp loại hình tội phạm này. Những kết quả thu được là đáng khích lệ, nhưng nếu chỉ trông chờ vào các đợt cao điểm này, cũng như những nỗ lực của ngành Công an e rằng chúng ta sẽ lại mắc bệnh “chỉ chống chứ không phòng”.

Để có thể triệt phá tận gốc loại hình tội phạm này, theo chúng tôi chúng ta trước khi tìm cách triệt phá các băng, ổ nhóm thì trước mắt cần cương quyết đẩy lùi, loại trừ loại hình tín dụng đen. Bởi do sự khó khăn về kinh tế, lạm phát gia tăng, dẫn đến đời sống nhân dân khó khăn hơn, tình trạng thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh là cơ hội cho “tín dụng đen” phát triển. Và đây chính là mầm mống nảy sinh dịch vụ đòi nợ, siết nợ thuê, thanh toán lẫn nhau, bắt giữ người, đòi tiền nợ... đang ngày một gia tăng hiện nay.

Bên cạnh đó, Quốc hội cần sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hình sự về “nhóm tội phạm có tổ chức” và dự tính bổ sung tội danh “thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm có tổ chức” nhằm tăng cường các chế tài cần và đủ mạnh để trấn áp, răn đe loại hình tội phạm này.