Sự trì hoãn chiến thuật

ANTĐ - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức gần như bằng 0% vốn được áp dụng suốt gần 7 năm qua, khép lại những cuộc tranh luận căng thẳng cùng những lời đồn đoán kéo dài suốt tháng qua.
Sự trì hoãn chiến thuật ảnh 1

Thị trường chứng khoán Mỹ đang biến động sau quyết định của FED

Mức lãi suất cơ bản gần bằng 0% được FED duy trì từ tháng 12-2008 nhằm giúp kích thích nền kinh tế và thị trường nhà ở tại Mỹ, vốn bị giáng đòn mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Đến nay, có thể nói rằng chính sách này đã đem đến nhiều hiệu quả tích cực. Những con số dự báo như GDP của Mỹ sẽ tăng 2,1% trong năm nay, cao hơn so với tỉ lệ 1,9% được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua và năm 2016 là 2,3% cho thấy kinh tế Mỹ đã đi đúng hướng. 

Có điều, việc duy trì lãi suất thấp trong thời gian khá dài cũng có thể làm nảy sinh những tác động khó lường khi dòng vốn quá dồi dào, đặt ra nhu cầu cần phải có điều chỉnh. Nhưng đã không có bất kỳ quyết định mới nào của FED được đưa ra. Vậy điều gì khiến FED quyết định tiếp tục trung thành với chính sách lãi suất thấp của mình?  

Từ góc độ đối nội, có thể kể đến nhân tố tiền lương. Thực tế cho thấy thu nhập của người lao động Mỹ vẫn chưa tăng và điều này khiến hầu hết người dân Mỹ vẫn chưa yên tâm dù đã bước sang năm thứ sáu kinh tế phục hồi. Theo Chỉ số chi phí lao động (ECI) mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố hồi tháng 7-2015, lương của người Mỹ đã tăng 2,1% trong vòng 12 tháng qua. Tuy nhiên, một báo cáo của tổ chức Dự án Lao động Quốc gia (NELP) lại cho rằng nếu tính theo lạm phát, thì lương trên thực tế giảm từ năm 2009 và những người lao động thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.

Chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng là một nhân tố khiến FED tạm thời giữ nguyên lãi suất. Được coi là khoảng sáng của bức tranh kinh tế Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đã khởi sắc sau sự khởi đầu ảm đạm hồi đầu năm. GDP đã tăng 3,7% trong quý II năm nay và đang trên đà tăng trưởng 2,45% trong quý III. Nhưng thực tế cho thấy lần gần đây nhất FED tăng lãi suất là vào thời kỳ năm 2004-2006 khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt tới trên 4%.

Tuy nhiên, chính yếu tố bên ngoài mới ảnh hưởng  quyết định đến hành động của FED. Giải thích về quyết định không nâng lãi suất vào thời điểm này, Chủ tịch FED J. Yellen cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu là “không chắc chắn”, đồng thời bày tỏ quan ngại về tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác dẫn đến tình trạng bất ổn của các thị trường tài chính.

Quả thật, sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang có ảnh hưởng toàn cầu, tác động mạnh tới các quốc gia sản xuất hàng hóa cơ bản. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index - chỉ số đo thị trường chứng khoán ở những quốc gia mới nổi – ở Brazil, Chile, Ai Cập và Trung Quốc đã giảm đáng kể từ đầu năm đến nay. FED lo ngại rằng mình chưa đánh giá hết tác động từ bên ngoài, yếu tố có thể gây nên những biến động trên thị trường, khiến các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều rủi ro. 

Có thể thấy các quan chức FED đã cân nhắc kỹ giữa một bên là sự vững vàng của các yếu tố kinh tế nền tảng trong nước với những bất ổn trong triển vọng kinh tế toàn cầu để đi đến quyết định không thắt chặt tiền tệ quá sớm để rồi đối mặt với rủi ro phải cắt giảm lãi suất trở lại. Nhưng nhìn về lâu dài, nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất. Hiện FED vẫn còn 2 cuộc họp chính sách nữa vào tháng 11 và tháng 12 tới. 

Chính vì thế, các nhà phân tích cho rằng việc FED tiếp tục duy trì lãi suất ở mức gần như bằng 0 là “sự trì hoãn chiến thuật” để thu thập thêm thông tin về rủi ro đối với các dự báo và khi thị trường việc làm tiếp tục hồi phục, thị trường vốn cho thấy sự “bình tĩnh” trở lại, thì áp lực tăng lãi suất đối với FED sẽ tăng lên tại mỗi cuộc họp trong thời gian tới.