Sự tôn nghiêm của kỷ luật, kỷ cương phải được siết chặt để ngăn chặn dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, sự thiếu ý thức của một số cá nhân và đơn vị thời gian gần đây đã làm ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch chung của cả nước. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp bách phải xử lý nghiêm những vi phạm trong quy định phòng chống dịch.
Lực lượng Công an xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19

Lực lượng Công an xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19

Những việc làm có thể khiến dịch bệnh lan rộng

Đợt bùng phát dịch thứ tư đang lan rộng ra nhiều địa bàn trong cả nước. Với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn, khó kiểm soát hơn, dịch bệnh từ 4 nguồn ban đầu là tại Đà Nẵng, Yên Bái, Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố, với hàng trăm ca nhiễm mới, gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Dịch bệnh diễn biến khó lường là điều tất yếu. Nhưng đáng nói ở đây là bên cạnh sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, sự thiếu ý thức trong việc chấp hành những quy định phòng chống dịch, thậm chí là cả các hành vi vi phạm pháp luật, là một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh phức tạp thêm, khiến dư luận xã hội bức xúc.

Đã hơn một năm nay, những cảnh báo về dịch bệnh hay như khuyến cáo của Bộ Y tế để chung sống an toàn với dịch bệnh đã quá quen thuộc với mọi người. Ấy thế nhưng vẫn có không ít người vì thiếu ý thức mà vi phạm. Những hiện tượng như không đeo khẩu trang, không giữ đúng khoảng cách khi tiếp xúc… vẫn thường xuyên xảy ra. Đáng trách hơn là những hành vi như không khai báo hoặc khai báo không trung thực thông tin cá nhân liên quan đến dịch bệnh; không đăng ký theo dõi sức khỏe với cơ quan y tế nơi cư trú của người mắc bệnh Covid-19 sau khi ra viện hoặc điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh; từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế với người có nguy cơ mắc bệnh… dẫn đến hậu quả khó lường.

“Xử lý trách nhiệm cá nhân hay tập thể

vi phạm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 là yêu cầu cấp thiết để siết chặt kỷ cương, kỷ luật. Tinh thần chỉ đạo chung của Thành ủy Hà Nội là việc xử lý phải bảo đảm thượng tôn pháp luật, đúng nguyên tắc của Đảng; bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; trách nhiệm đến đâu, vi phạm đến đâu xử lý đến đó; lấy răn đe, giáo dục làm trọng”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Điển hình mới đây nhất là trường hợp vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco). Đây là các bệnh nhân (BN) 3633 và 3634 có đến Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và di chuyển qua nhiều địa bàn nhưng sau khi về Hà Nội đã không thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, khai báo không trung thực, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Hay như BN 2899 (xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) - bệnh nhân đầu tiên trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã không thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Sau khi rời khu cách ly tập trung, theo quy định phải cách ly tiếp tại nhà 14 ngày nhưng bệnh nhân này đã không thực hiện mà đi nhiều nơi, tiếp xúc lây bệnh cho nhiều người, làm số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tăng mạnh và diễn biến phức tạp.

Nghiêm trọng hơn là những đối tượng vi phạm pháp luật khi xuất nhập cảnh trái phép hay tổ chức nhập cảnh trái phép cho người nước ngoài vào Việt Nam. Bất chấp nguy cơ của dịch bệnh nhưng để kiếm lợi, các đối tượng này sẵn sàng tiếp tay thiết lập đường dây đưa người nước ngoài vào cư trú trái phép tại Việt Nam. Điển hình như vụ Công an TP Hà Nội phát hiện 46 đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, thuê 9 phòng trong chung cư Florence 28 Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) để ở. Con số 199 vụ với tổng số 1.343 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép mà Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết bên lề cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 5-5 cho thấy hoạt động này gây mất an toàn an ninh và y tế như thế nào.

Pháp luật có đầy đủ quy định xử lý sai phạm trong phòng chống dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong phòng chống dịch đang trở thành yêu cầu cấp bách để ngăn chặn dịch. Đây có thể coi là “đơn thuốc đặc trị Covid-19” trong giai đoạn hiện nay, khi mà việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 còn cần nhiều thời gian.

Phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp khẩn ngày 2-5 vừa qua về phòng chống Covid-19 khi xuất hiện tình huống mới, phức tạp hơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ban Chỉ đạo, của Bộ Y tế để rà soát lại và căn cứ vào hậu quả xảy ra để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 10-5 cũng khẳng định: “Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả. Xử lý nghiêm người không đeo khẩu trang, kiên quyết đóng cửa các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp nếu không bảo đảm an toàn”.

Với các cá nhân, việc trốn tránh khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, không thực hiện nghiêm quy định về cách ly y tế khi có yếu tố dịch tễ, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh là hành vi không thể chấp nhận. Pháp luật đã có đầy đủ quy định về xử lý những hành vi nêu trên, trong đó có Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Để răn đe, ngăn chặn những việc làm sai trái, những quyết định như của Tổng Giám đốc Handico tạm thời đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Hacinco đối với ông Nguyễn Văn Thanh liên quan đến vi phạm quy định về phòng, chống Covid-19 là việc làm cần thiết và đúng quy định. Công an TP Hà Nội cũng đã vào cuộc, xem xét xử lý việc ông Thanh trốn tránh khai báo y tế và không tuân thủ các quy định phòng chống dịch, khiến ít nhất 150 người trở thành F1, trong đó đã có người nhiễm SARS-CoV-2, hàng nghìn người khác bị cách ly y tế.

Không chỉ nghiêm khắc với các cá nhân vi phạm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo: “Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế - xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là trả giá đắt cho xã hội, cho hệ thống chính trị, sức khoẻ người người dân, cho lợi ích quốc gia, dân tộc, và người có trách nhiệm cũng phải trả giá”. Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 sẽ còn lâu dài và chúng ta chắc chắn sẽ vẫn phải sống chung với virus SARS-CoV-2. Nhưng để cuộc sống có thể bình an và tiếp tục tiến lên phía trước thì sự tôn nghiêm của kỷ luật, kỷ cương phải được coi trọng.