Sự thực về việc tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal đã bắt đầu trực chiến

ANTD.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong thông điệp liên bang rằng tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal đã được chấp nhận đưa vào biên chế chiến đấu của Không quân nước này.

Sau khi Tổng thống Putin chính thức giới thiệu, Bộ quốc phòng Liên bang Nga đã lập tức công bố hình ảnh tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31BM phóng thử tên lửa Kh-47M2 Kinzhal trong một cuộc thử nghiệm và khẳng định nó đã được trang bị cho đơn vị MiG-31 đóng tại Quân khu phía Nam.

Tuy nhiên ngay sau tuyên bố trên, giới quan sát phương Tây đã nhận định rằng đó là những lời phóng đại vì chưa có bằng chứng nào cho thấy "Dao găm" đã hoàn tất quá trình thử nghiệm chứ chưa nói đến việc bước vào trực ban chiến đấu.

Trong đoạn video mà truyền hình Nga công chiếu, chỉ có một vài giây ngắn ngủi ghi lại cảnh Kh-47M2 Kinzhal khởi động động cơ chính sau khi được tách ra khỏi giá phóng của MiG-31BM, còn lại chưa rõ nó bay về đâu, độ chính xác ra sao, và có đạt thông số thiết kế hay không?

Tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31BM thử nghiệm phóng tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal

Tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31BM thử nghiệm phóng tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal

Nhưng quan trọng hơn cả, nguyên nhân khiến nhiều ý kiến cho rằng Kh-47M2 thực chất chưa vượt qua giai đoạn thử nghiệm nằm ở việc nó chưa được nhận mã định danh của Tổng cục Pháo binh và Tên lửa Nga - GRAU.

Cần lưu ý rằng mã định danh GRAU là thông số bắt buộc đối với vũ khí đã có trong biên chế, lấy ví dụ như tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M - hình mẫu phát triển của "Dao găm" có mã GRAU là 9K720 với đạn tấn công 9M723.

Trong khi đó, mặc dù tuyên bố Kinzhal đã vào biên chế nhưng vũ khí này lại chưa được GRAU cấp mã định danh chính thức, mà nó mới chỉ có ký hiệu Kh-47M2 đơn giản là mã thiết kế mà thôi.

Kh-47M2 Kinzhal vẫn chưa được Tổng cục Pháo binh và Tên lửa Nga - GRAU cấp mã trang bị

Kh-47M2 Kinzhal vẫn chưa được Tổng cục Pháo binh và Tên lửa Nga - GRAU cấp mã trang bị

So sánh với một đối thủ bên kia bờ đại dương là Skybolt, "Tia chớp" bầu trời của Mỹ ra đời từ năm 1958 và được hoàn thiện vào năm 1962 sở hữu vận tốc tối đa Mach 12,5, tầm bắn 1.800 km, không yêu cầu nền tảng mang phóng phải leo lên độ cao lớn và duy trì vận tốc ở Mach 2 như Kinzhal, các thông số trên đều vượt trội "Dao găm".

Tuy rằng còn có suy đoán liên quan đến việc Skybolt chưa vượt qua đầy đủ các cuộc thử nghiệm khiến Không quân Mỹ hiện không còn sử dụng nữa, nhưng lại phải lưu ý rằng nó đã nhận mã trang bị sản xuất hàng loạt là AGM-48, đây là điều tạo ra sự khác biệt lớn nhất giữa AGM-48 Skybolt với Kh-47M2 Kinzhal.

Dự báo rằng trong thời gian trước mắt Quân đội Nga sẽ còn phải triển khai thêm nhiều bài phóng thử Kh-47M2 Kinzhal ở các điều kiện tác chiến giả định khác nhau nữa rồi mới có thể cấp mã GRAU chính thức cho vũ khí này.

Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông James Mattis tuyên bố rằng những vũ khí được nhắc tên trong thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn thuộc về tương lai nhiều năm nữa chứ không phải là trước mắt.