Sự thay đổi của IMF

ANTĐ - Việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 10-9 cam kết hỗ trợ tích cực cho các nền kinh tế dễ đổ vỡ có thể được xem như là một sự thay đổi chính sách rất đáng chú ý của một trong hai định chế tài chính lớn nhất thế giới này.

IMF cam kết tài trợ cho các nền kinh tế nghèo dễ bị đổ vỡ trong khủng hoảng

Nếu như hỗ trợ phát triển là trách nhiệm chính của Ngân hàng Thế giới (WB) thì IMF chủ yếu hỗ trợ các quốc gia tiến hành cải tổ cơ cấu kinh tế mỗi khi lâm vào khủng hoảng. Vì thế, các quốc gia “được” IMF giúp đỡ cũng chẳng lấy gì làm “vui vẻ”.

Đã không có ít lời ta thán trên thế giới bởi sự can thiệp quá sâu của IMF vào chính sách và sự điều hành kinh tế của các quốc gia được định chế tài chính này trợ giúp. Thậm chí đã có những trường hợp phản ứng trở lại, từ chối sự trợ giúp của IMF.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tồi tệ nhất thế giới từ năm 1930 tới nay đã dẫn tới những thay đổi vô cùng sâu rộng trong nền kinh tế toàn cầu. Là một trong hai định chế tài chính lớn nhất thế giới cùng với WB, IMF cũng phải có những thay đổi để có sự thích ứng kịp thời.

Bên cạnh việc tiếp tục có những sự trợ giúp để tái cơ cấu như tài trợ cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha… nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, IMF cũng bắt đầu đẩy mạnh các khoản vay cho các nước đang phát triển, nước nghèo để chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Cuối tháng 7 vừa qua, IMF đã công bố các biện pháp được cho là chưa từng có tiền lệ của tổ chức này trong nỗ lực nhằm hỗ trợ các nước nghèo đương đầu với tình trạng suy sụp kinh tế. Ban Điều hành IMF cho biết đang chuẩn bị huy động 17 tỷ USD để tăng mạnh các khoản vay cho những nước nghèo trên thế giới trong 5 năm tới.

Những biện pháp trên cho thấy sự thay đổi lớn trong các hoạt động cho vay trước đó của IMF với nỗ lực hạn chế thiệt hại của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Để chuẩn bị nguồn lực cần thiết, IMF đã quyết định bán 403 tấn vàng, tức 1/8 kho dự trữ vàng của tổ chức này, đồng thời yêu cầu mỗi thành viên trong số 186 thành viên đóng góp thêm khoảng 14 triệu USD.

Chưa dừng lại ở đó, ngày  10-9, IMF lại khẳng định cam kết đóng vai trò quan trọng và tích cực hỗ trợ các nền kinh tế dễ đổ vỡ phục hồi kinh tế và vượt qua thời kỳ khó khăn khốc liệt hiện nay. Sự trợ giúp này bao gồm các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm giúp tăng cường chính sách kinh tế vĩ mô và năng lực thể chế của các nền kinh tế dễ đổ vỡ, trong đó thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên cao nhất.

Đánh dấu sự thay đổi của IMF, các chuyên gia của tổ chức này cho rằng IMF cần sử dụng hiệu quả và rộng rãi hơn. Tiện nghi tín dụng nhanh (RCF), nhằm cung cấp tín dụng nhanh và ít điều kiện ràng buộc để hỗ trợ các nước thu nhập thấp có nền kinh tế dễ đổ vỡ vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Khi các nền kinh tế này đã qua giai đoạn nguy hiểm, IMF mới tính tới việc có thể sử dụng Tiện nghi tín dụng mở rộng (ECF) cho phép cung cấp nguồn tài chính lớn hơn nhưng với các tiêu chuẩn khắt khe hơn để tiếp tục sự hỗ trợ.