Sự thật việc súc họng ngăn ngừa được nhiễm trùng đường hô hấp

ANTD.VN - Súc họng là một trong những cách thức phòng bệnh viêm đường hô đơn giản như cảm cúm và nhiều bệnh đường hô hấp khác như đau họng, viêm họng. Nhưng súc họng bằng gì hay súc thế nào… không phải người nào cũng có cách hiểu đúng.

Sự thật việc súc họng ngăn ngừa được nhiễm trùng đường hô hấp ảnh 1Thận trọng khi sử dụng thuốc súc họng vì có khả năng gây dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc

Cho đến nay, chưa có bất cứ  thử nghiệm trên quy mô lớn nào cho thấy súc miệng bằng giấm hoặc một số loại nước súc miệng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp gây bệnh viêm đường hô hấp, kể cả bệnh Covid-19. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có những nước súc miệng có thể tiêu diệt vi khuẩn, làm giảm số lượng virus tại thời điểm súc miệng.

Súc họng bằng nước muối chống được Covid-19?

Hiện nay nhiều người cho rằng chỉ cần súc họng bằng nước muối, hoặc nhỏ mũi bằng nước muối cũng có thể phòng ngừa được Covid-19. Song, các chuyên gia y tế cho biết, chưa có bằng chứng cho thấy việc thường xuyên nhỏ mũi, súc họng bằng nước muối và nước sẽ bảo vệ bạn chống lại hoặc chữa khỏi bệnh do Covid-19 gây ra.

Thực tế cho thấy, việc súc miệng bằng nước và muối chỉ có tác dụng giúp giảm đau họng, giúp mọi người khắc phục được nhanh các triệu chứng của cảm lạnh thông thường. Ngoài ra, nhiều người quan niệm pha nước muối súc họng càng mặn thì tính sát trùng, sát khuẩn sẽ càng cao và vì thế nó có thể thay thế được dung dịch súc họng sát khuẩn chuyên dùng. Do đó, họ đã pha nước muối rất mặn để súc miệng hàng ngày, tuy nhiên việc làm này lại vô tình gây tổn thương niêm mạc vùng họng khiến họng khô, ráp như không có nước…

Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng hơn 80% trường hợp viêm họng là do virus gây nên. Do đó, để tiêu diệt tác nhân gây ra viêm, các mầm bệnh và tránh bội nhiễm cần phải sử dụng dung dịch sát khuẩn họng (súc họng hoặc xịt họng) chuyên biệt.

Hiện nay, để giúp sát khuẩn họng các bác sĩ thường khuyên dùng loại thuốc súc họng hoặc xịt họng có chứa họat chất Povidone-iod. Đây là một phức hợp của povidone và iodine, có tác động trực tiếp lên các tác nhân vi sinh gây bệnh bám trên bề mặt niêm mạc họng miệng, bao gồm cả virus, vi khuẩn và vi nấm,…

Nên súc miệng hay súc họng?

Súc miệng, súc họng sát khuẩn chính là cách để bảo vệ ngăn virus xâm nhập vào vùng hầu họng gây bệnh. Để phòng bệnh hô hấp, các chuyên gia bệnh hô hấp khuyên nên súc họng thay vì súc miệng. Không nên ngậm nước súc họng vào rồi nhổ ra ngay, mỗi lần vài ba ngụm không chỉ có tác dụng làm sạch họng mà đảm bảo tác dụng sát khuẩn tốt. Với người khỏe mạnh, dùng dự phòng, súc họng trong ít nhất 30 giây, mỗi ngày từ 3- 4 lần. Khi bị tổn thương, cần súc miệng hoặc họng trong 2 phút, dùng 4 lần trong ngày, đặc biệt sau khi ăn, theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi súc xong, giữ nguyên, không súc lại bằng nước, duy trì hiệu quả kháng khuẩn liên tục sau nhiều giờ đồng hồ.

Không phải ai cũng có thể súc miệng hiệu quả, đặc biệt là một số người bị đau cổ, những người bị đột quỵ liệt các dây thần kinh điều khiển các cơ ở vùng họng và hạ họng, những người mất trí nhớ, những người có thành họng dễ kích ứng hoặc trẻ em dưới 8 tuổi.

Một số người bị dị ứng với iốt hoặc những bệnh nhân có vấn đề về tuyến giáp thì không thể sử dụng các dung dịch súc miệng có chứa iốt. Khi súc miệng bằng nước muối thì nên pha nước muối không quá mặn, chỉ cần mặn như nước canh là được và nếu được nên pha nước muối ấm.

Có nên dùng thuốc súc họng kéo dài?

Thuốc súc họng là loại thuốc có thể do các hãng dược sản xuất có tính kiềm nhẹ dưới dạng bột hoặc dạng nước hoặc do chính người bệnh tự pha chế từ muối ăn (thường dặn người bệnh pha ước lượng nhạt như nước canh).

Việc sử dụng thuốc súc họng tưởng đơn giản nên nhiều người tự mua về sử dụng, tuy nhiên nên đi khám để có các chỉ định cụ thể vì có rất nhiều loại thuốc súc họng với các thành phần khác nhau tùy theo viêm họng là loại nào và mục đích sử dụng là gì.

Thuốc súc họng cũng có khả năng gây dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, vì thế khi sử dụng thấy đau rát họng hơn, có nổi các vết loét trên bề mặt, phỏng nước, khó thở... phải dừng ngay thuốc và báo với bác sĩ điều trị.