Sự thật về "Vùng Xanh" - nơi các chính trị gia Iraq "ngủ trên đống tiền"

ANTD.VN - Abbas Fathi và bạn bè sống chỉ cách Vùng Xanh vài dặm nhưng 3 trong số 5 thanh niên trong nhóm họ chưa bao giờ đặt chân tới đó. “Các chính trị gia sống thoải mái bên trong. Họ đang ngủ trên đống tiền. Hãy nhìn người dân những khu phố khác, họ chẳng có gì”, Abbas Fathi nói. Vậy sự thật ra sao?

Sự thật về "Vùng Xanh" - nơi các chính trị gia Iraq "ngủ trên đống tiền" ảnh 1Ông Hunain al-Qaddo cùng gia đình chuyển đến sống ở Vùng Xanh từ năm 2011 và cảm thấy cuộc sống ở đây khá tách biệt, ngặt nghèo

Kể từ sau cuộc chiến lật đổ Tổng thống Saddam Hussein năm 2003, Vùng Xanh trở thành vùng cấm đối với hầu hết dân thường Iraq. Trong khi phần còn lại của Thủ đô, được gọi là Vùng Đỏ, quay cuồng vì bạo lực giáo phái và tấn công khủng bố trong suốt 15 năm qua, giới tinh hoa Iraq được cư trú trong sự an toàn tương đối của Vùng Xanh. Khu vực này như biểu tượng cho ảnh hưởng lâu dài của Mỹ và khoảng cách giữa tầng lớp lãnh đạo với dân chúng Iraq.

Tuy vậy, mới đây, Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi quyết định mở cửa một phần khu vực có chế độ an ninh cao độ như Vùng Xanh nhân kỷ niệm 1 năm ngày tuyên bố chiến thắng đội quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đó là dấu hiệu cho thấy Iraq đang trải qua một thời kỳ tương đối ổn định.

Mở cửa pháo đài giữa lòng Baghdad

Theo đó, trong thời gian thử nghiệm 2 tuần, xe ô tô được phép đi qua Vùng Xanh từ 17h chiều hôm trước đến 1h sáng hôm sau dọc theo Phố Ngày 14 tháng Bảy, tuyến đường chính kéo dài từ Tây sang Đông Baghdad qua chiếc cầu treo. Các đường phụ vẫn đóng và cấm dừng dọc đường.

Sự tương phản giữa Vùng Xanh và Vùng Đỏ trở nên rõ ràng ngay lập tức khi đi qua trạm kiểm soát lối vào trên Phố Ngày 14 tháng Bảy. Đường phố sạch sẽ. Giao thông thưa thớt và trật tự. Những bãi cỏ và đài phun nước xanh nằm dọc một bên đại lộ gần tượng đài của người lính vô danh, được dựng lên vào những năm 1980 để kỷ niệm cuộc chiến tranh Iran-Iraq và chỉ là một trong nhiều địa điểm lịch sử trước đây công chúng không thể tiếp cận được.

Người dân Baghdad vẫn chưa cảm thấy tác động của việc mở lại một phần Vùng Xanh. Trong giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, khi Vùng Xanh đóng cửa, các con đường và cây cầu đổ nát của thành phố vẫn bị tắc nghẽn.

Sự thật không như đồn thổi

Ông Hunain al-Qaddo là một chính trị gia đã chuyển đến Vùng Xanh cùng với vợ và 3 con của mình vào năm 2011. Thay vì chọn một cuộc sống xa xỉ, ông nói rằng việc chuyển nhà là cần thiết để bảo vệ gia đình sau khi ông bị dọa giết. “Nó giống như sống trong một nhà tù. Ra vào đều cần phù hiệu, trong khi muốn ra ngoài vào ban đêm cần có giấy phép đặc biệt. Chưa kể, việc chuyển đồ đạc, thiết bị điện tử hoặc bất cứ thứ gì có thể đều phải qua kiểm tra thiết bị nổ”, bà Warsaw Qaddo nói.

Chế độ nghiêm ngặt đó chắc chắn kéo theo sự tách biệt đối với xã hội. Do hạn chế người không phải cư dân ở đây nên người thân của mọi người cũng ngại đến thăm nhau. Con trai 12 tuổi của ông Qaddo không có bạn bè ngoài vành đai này. Con gái của ông, Aya, học đại học ở Vùng Đỏ nhưng không dám thổ lộ với bạn học về nơi mình sống. “Một phần là lý do an ninh, nhưng nếu nói ra, bạn bè sẽ nhìn tôi theo cách khác”, Aya nói. Trong khi gia đình hoan nghênh việc mở một phần Vùng Xanh, Aya cũng lo ngại rằng các nhóm cực đoan có thể lợi dụng động thái này để tấn công: Có lẽ Vùng Xanh sẽ có thêm các vụ nổ và bom xe.

Chính khái niệm lập ra pháo đài an toàn giữa lòng thành phố đã tạo ra căng thẳng giữa người dân Iraq. Ông Husham al-Madfai, một nhà quy hoạch đô thị và là cựu Phó Thị trưởng Baghdad, sống ở khu phố Mansour, cho biết: “Chúng tôi ghét ý tưởng có một khu vực an toàn trong thành phố. Như vậy, Chính phủ được an toàn còn người dân thì không à?”.

Nhiều năm công tác, ông Madfai phụ trách công tác phát triển các kế hoạch tổng thể cho Thủ đô. Karadat Maryam, tên gốc của Vùng Xanh và là cái tên mà ông Madfai vẫn thích sử dụng vốn là một khu dân cư xen kẽ với các văn phòng chính phủ. Nhưng đảng Baastath sau khi lên nắm quyền vào năm 1968 đã cấm một số tuyến đường. Năm 2003, quân đội Mỹ đã đóng cửa hoàn toàn khu vực này. “Công dân bình thường bị đẩy ra ngoài không phải vì họ bị ép buộc, mà vì không thể sống với điều kiện hạn chế di chuyển”, ông Mad Madai giải thích.

Abbas Fathi và bạn bè của anh vẫn đang nôn nóng chờ đợi chính phủ mới của ông Abdul-Mahdi có thể cung cấp những gì họ cần nhất: công việc và dịch vụ. “Nếu họ không thể đáp ứng nhu cầu của người dân, chúng tôi sẽ một lần nữa xông vào Vùng Xanh. Chúng tôi sẽ vào nhà các Bộ trưởng, và khi đó sẽ có rắc rối”, Kareem Talal, một thanh niên 21 tuổi nói.