Sự thật về việc ăn mì chính bị chóng mặt, bủn rủn chân tay

ANTD.VN - Khi gặp các hiện tượng trên, nhiều người đổ lỗi do mì chính, thế nhưng, nguyên nhân thực sự lại không phải vậy.

1 ngày chỉ ăn 1 thìa cà phê mì chính

Mì chính là phụ gia quen thuộc trong căn bếp của nhiều gia đình. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng: thiếu mì chính, bữa ăn mất ngon. Tuy nhiên,  mì chính bản thân nó không có một hương vị cụ thể nào nhưng lại có tác dụng làm hài hòa các hương vị khác, từ đó giúp món ăn trở nên hấp dẫn, ngon miệng hơn.

Trước kia, nhiều tài liệu cho rằng mì chính là một chất gây hại cho sức khỏe. Thế nhưng, các kết quả nghiên cứu mới nhất về phụ gia này của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng: mì chính an toàn ngay cả với trẻ nhỏ. Và tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã xếp mì chính vào “Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm” từ năm 2001.

Mặc dù là phụ gia được phép sử dụng, song theo bà Trần Cẩm Tú, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm, mỗi ngày chúng ta cũng chỉ nên ăn một lượng mì chính tương đương 0,12% trọng lượng cơ thể người. Tức là nếu nặng 50kg, bạn có thể sử dụng 6g mì chính/ngày, tương đương 1 thìa ăn bột trẻ con. Lý do là bởi nếu dùng quá nhiều, nó sẽ làm thay đổi hương vị tự nhiên của thực phẩm. Ngoài ra, nếu lạm dụng cũng dễ dẫn tới “nghiện” mì chính. Người ăn nhiều mì chính khẩu vị cũng theo đó mà thay đổi và nếu không có gia vị này sẽ không cảm thấy ngon miệng nữa. 

Sử dụng mì chính thế nào tốt cho sức khỏe?

Vậy tại sao mì chính không gây hại nhưng nhiều người lại cho rằng: họ bị hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn… sau khi ăn? Lý giải điều đó, bà Trần Cẩm Tú khẳng định, điều này xảy ra do 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, đó là mì chính mà bạn sử dụng là mì chính giả. Loại mì chính này thường được làm từ các loại nguyên liệu kém chất lượng, đồng thời được bảo quản không đúng quy chuẩn nên dễ gây ra những bất thường về sức khỏe. Chính vì thế, khi mua mì chính, chúng ta cần lựa chọn các thương hiệu lớn, có uy tín.

Để tránh mua phải hàng giả, bạn nên chú ý đến bao bì của sản phẩm, chỉ mua những gói có bao bì dày dặn, không nhăn nhúm, có ngày tháng năm sản xuất rõ ràng và đặc biệt là có trọng lượng đúng với trọng lượng in trên bao bì. Khi mở gói ra, mì chính thật các cánh to đều nhau, không gãy vụn, gần như không có bụi trắng.

“Mỗi ngày chúng ta chỉ nên ăn một lượng mì chính tương đương 0,12% trọng lượng cơ thể người. Tức là nếu nặng 50kg, bạn có thể sử dụng 6g mì chính/ngày, tức là 1 thìa ăn bột trẻ con”.

Trần Cẩm Tú, (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm)

Nguyên nhân thứ hai là do cơ địa của mỗi người, nghĩa là những người này bị dị ứng với một thành phần nào đó trong mì  chính. Điều đó cũng tương tự như là có người bị dị ứng với hải sản, thịt bò, hay trứng… Tất cả đều là do cơ địa của chúng ta chứ không hẳn là do chất lượng của sản phẩm. Hiện tượng dị ứng này có thể tự hết sau một thời gian, nhưng cũng có thể chúng ta sẽ phải chung sống với nó cả đời.

Cuối cùng, đó là do yếu tố tâm lý của mỗi người. Thực sự, có rất nhiều người vì nghe người khác nói là nếu ăn mì chính sẽ gặp những phản ứng như vậy nên nếu biết món ăn đã được cho mì chính, sau khi ăn xong, tự nhiên, họ sẽ có cảm giác đó. Và đương nhiên, nếu không biết thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả. 

Trên thực tế, mỗi thực phẩm đều có  mặt lợi và hại, thế nên, chúng ta cần hiểu rõ bản chất của chúng để có cách sử dụng hợp lý, tốt cho sức khỏe. Khi nấu các món ăn có nguồn gốc từ thịt, cá… chúng ta không cần cho phụ gia này vào, bởi bản thân các món ăn này đã có vị ngọt tự nhiên từ thịt. Với các món chế biến từ trứng, cũng không cần thiết phải nêm mì chính vì trứng vốn có nhiều bột, khi kết hợp với muối ở nhiệt độ cao, tự bản thân nó cũng đã sản sinh ra một vị ngọt tự nhiên thơm ngon, bổ dưỡng. Do đó, tốt nhất, bạn chỉ nên sử dụng mì chính với các món canh, rau xào.