Sự thật về "lò sản xuất" tin tức giả mạo điều hướng dư luận bầu cử Tổng thống ở Mỹ và Indonesia

ANTD.VN - Viện Nghiên cứu Internet Oxford đã tìm thấy bằng chứng về các chiến dịch thao túng truyền thông xã hội của các đảng chính trị hoặc cơ quan Chính phủ ở 48 quốc gia vào năm 2018, vượt lên con số 28 quốc gia năm 2017. Quá trình này diễn ra như thế nào? Hãy tìm hiểu những “lò sản xuất” tin tức giả mạo có tiếng trên thế giới.

Macedonia: Thủ phủ tin tức giả mạo của thế giới

Veles, thị trấn bé nhỏ của Macedonia - một trong những quốc gia nghèo nhất của châu Âu được mệnh danh là thủ phủ của tin tức giả mạo của thế giới. Trong năm 2016, thị trấn 44.000 dân này là nơi xuất phát của hơn 100 website và mục tiêu nhắm đến là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Ở đây, một người bình thường có thể kiếm được khoảng 430 USD mỗi tháng chỉ nhờ lướt web và đăng tin. Do một số nhà máy đã bị đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng và cơ hội việc làm rất hiếm nhưng tin bài giả mạo đã trở thành một cách kiếm sống cho giới trẻ. “Các trang web hoặc là gây hiểu lầm hoặc 100% là không đúng sự thật”, biên tập viên Craig Silverman của trang tin Buzzfeed là người đầu tiên phát hiện điều này sau khi ông và một đồng nghiệp bắt đầu cuộc điều tra của họ vào mùa hè năm đó. “Chúng tôi có thể kiếm được số tiền gấp hơn 5 lần so với mức thu nhập trung bình. Có những người kiếm được rất nhiều... có thể mua nhà cuối tuần và xe mới”, một “nhà sản xuất tin” của Veles cho hay.

“Troll” là một thuật ngữ trên Internet chỉ kẻ đăng các thông điệp gây tranh cãi tại một cộng đồng trực tuyến với mục đích gài bẫy để những người dùng khác xúc động hay bị kích động và phản ứng lại. Theo Sasha, một người chuyên “troll” về cuộc bầu cử ở Mỹ, việc tạo ra tin tức giả mạo ở Macedonia thường theo 4 bước. Một là tham gia một nhóm Facebook bằng cách sử dụng hồ sơ giả. “Điều quan trọng là vào được các nhóm có quyền đăng bài viết, nhất là với nhóm có nhiều ảnh hưởng”, Sasha giải thích. Các bước tiếp theo là: Tìm một câu chuyện đang có xu hướng quan tâm; viết lại với phong cách giật gân, cuối cùng là đăng bài và chờ lợi nhuận. “Tiêu đề phải được rút ngắn để mọi người có thể đọc nó trong nháy mắt”, Sasha nói thêm.

Tin tức về ông Donald Trump thông thường dễ dàng thu hút người đọc, vì thế cũng đem lại lợi nhuận cho người tung tin. “Họ tin vào mọi thứ bạn viết vì họ là người ủng hộ ông Donald Trump và muốn chia sẻ những tin tức tốt. Họ tag bạn bè của họ và tranh luận với họ và những câu chuyện lan truyền nhiều hơn”, ông Mirko Ceselkoski (38 tuổi), chuyên viết tin giả mạo nói.

Tuy nhiên, những người làm công việc này ở Macedonia không thừa nhận thiệt hại mà tin tức giả có thể gây ra. “Dân chủ là tự do ngôn luận. Mọi người nói đó là tin giả, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể tự do phát ngôn. Quyền của mọi người là đọc hay không, chấp nhận hay không”, Nikolai, một cư dân Veles nói. Sasha nói thêm: “Bạn không làm hại gì cả, bạn đang kiếm tiền... Nếu ai đó không thích, anh ta sẽ không nghe, không đọc. Nếu bạn thích ý tưởng đó, bạn muốn chia sẻ. Và chính trị gia nào trả tiền sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”.

Sự thật về "lò sản xuất" tin tức giả mạo điều hướng dư luận bầu cử Tổng thống ở Mỹ và Indonesia ảnh 1Một bộ phận giới trẻ đang kiếm tiền bằng cách sản xuất tin bài giả mạo trên truyền thông xã hội

Đề tài “nóng” ở Indonesia

Ngay như ở khu vực Đông Nam Á, cảnh báo về tình trạng tin tức giả mạo có lẽ “nóng nhất” chính là Indonesia, vì thời điểm hiện tại đang là mùa bầu cử. Chính trị là một trong những chủ đề phổ biến nhất trong các tin tức giả mạo ở Indonesia, thậm chí đây còn là thủ đoạn để các đảng chính trị tấn công các đối thủ của mình. Chẳng hạn, từng có một bức ảnh lan truyền trên mạng cho thấy có vẻ như Tổng thống Joko Widodo tham gia một cuộc mit-tinh năm 1965, dẫn đến tin đồn ông từng là thành viên của Đảng Cộng sản PKI đã bị cấm hoạt động ở Indonesia. “Người trong bức ảnh rất giống ông Jokowi. Nhưng hiển nhiên năm 1965, ông ấy mới chỉ có 4 tuổi. Vậy mà thông tin đã được lan truyền rất nhanh bởi vì nó có âm mưu đằng sau”, ông Ross Tapsell, giảng viên của trường Đại học châu Á - Thái Bình Dương ANU cho biết.

Một tổ chức kiểm tra thông tin thực tế gọi tắt là Mafindo hiện giờ rất bận rộn. Từ hồi tháng 8-2018, người đồng sáng lập Mafindo, ông Aribowo Sasmito đã phát hiện một câu chuyện giả mạo về ứng cử viên Phó Tổng thống Sandiaga Uno. Thông tin sai lệch được lan truyền khắp rằng chính trị gia này tuyên bố Indonesia sẽ khó giành huy chương châu Á vì “các vận động viên bản địa yếu về thể chất và có chỉ số IQ thấp”. “Truyền thông chính thống, đáng tin cậy sẽ không sử dụng những tiêu đề khiêu khích như vậy, nhưng đối với những người không ưa ông Sandiaga Uno, họ đơn giản là tin vào điều đó”, ông Aribowo nói.

Indonesia cũng có một ngành công nghiệp chuyên sử dụng các tài khoản giả để đăng bài nhằm kiếm lợi nhuận. Một người có biệt danh “Iqbal” hé lộ, anh ta có hàng trăm tài khoản Twitter và hàng chục tài khoản Facebook, chuyên đăng bài về chính trị và khách hàng trả tiền cho anh ta để quảng bá nội dung. Để các tài khoản có vẻ xác thực, các bài đăng được điều chỉnh một cách nhất quán, sao cho phù hợp với hồ sơ cá nhân, ví dụ nếu khai là phụ nữ thì thường thảo luận các vấn đề phụ nữ. Thậm chí, anh ta còn tạo ra các tài khoản sẵn có để chờ khách hàng trong tương lai.

Tình trạng này cho thấy, việc kiểm tra độ xác thực rất quan trọng. “Mọi người ở Indonesia tin vào tin tức giả mạo bởi họ lười. Họ chỉ đọc tiêu đề rồi chia sẻ. Khi hỏi người chia sẻ thông tin rằng “Tin này có thật không?” - người đó trả lời - “Tôi không biết, tôi nhận được từ một nhóm diễn đàn và chia sẻ thôi”, ông Aribowo phân tích.

Sự thật về "lò sản xuất" tin tức giả mạo điều hướng dư luận bầu cử Tổng thống ở Mỹ và Indonesia ảnh 2Tổng thống Indonesia, người tham gia tái tranh cử trong năm 2019 này cũng từng là nạn nhân của tin tức giả mạo

Hãy là công dân kỹ thuật số có trách nhiệm

Ở phạm vi toàn cầu, sau vụ bê bối liên quan đến Công ty Cambridge Analytica hồi tháng 3-2018, tin tức loang ra rằng hãng tư vấn chính trị này đã đánh cắp  dữ liệu của gần 87 triệu người dùng Facebook, người ta bắt đầu chú ý hơn đến vấn đề lợi dụng mạng xã hội nhằm mục tiêu chính trị. Christopher Wylie, một nhà tư vấn dữ liệu người Canada, trước đây đã làm việc tại Cambridge Analytica tiết lộ rằng, trong cuộc bầu cử ở Mỹ, chỉ cần người sử dụng mạng xã hội quan tâm đến một chủ đề cụ thể nào đó, công ty có thể xây dựng hồ sơ của người dùng và nhắm vào họ bằng các thông điệp bầu cử cụ thể. 

Đã có những nghiên cứu lý giải tại sao mọi người cứ chia sẻ tin tức giả mạo trên phương tiện truyền thông xã hội. “Khi nhận được những lượt thích hay nghĩ rằng nội dung chia sẻ sẽ nhận được nhiều lượt thích, bạn sẽ thấy sự hoạt động ở trung tâm khoái cảm của não bộ. Vì vậy, người ta chia sẻ bài viết, dù không chắc chắn đó có phải là sự thật hay không”, Phó Giáo sư Ben Turner của trường Thông tin và Truyền thông Wee Wee Kim (Singapore) nói.

Facebook đã thừa nhận rằng quá chậm trong cuộc chiến chống lại tin tức giả mạo. Theo thống kê, mạng này đã loại bỏ hơn 1,5 tỷ tài khoản giả trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9-2018. Họ cũng đã tăng cường bảo mật dữ liệu và thay đổi thuật toán hiển thị nội dung. Những biện pháp này đã mang lại một số thành công. Chẳng hạn, những người chuyên đăng tin tranh cãi như Sasha và Nikolai đã ngừng sản xuất tin tức giả mạo. “Họ khóa hồ sơ của chúng tôi, chặn những câu chuyện được chúng tôi chia sẻ và chúng tôi cũng có ít người xem hơn. Đó là lý do để tôi dừng công việc này”, Nikolai nói.

Tuy nhiên, ngoài góc độ của người quản lý, giáo dục kiến thức về truyền thông cũng quan trọng không kém. “Hãy là công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, nhất là đối với giới trẻ có thói quen chia sẻ không cần suy nghĩ hiện nay. Hãy nghĩ trước khi chia sẻ bài, nghĩa là đánh giá xem câu chuyện có chính xác hay không và liệu việc chia sẻ có ý nghĩa gì với bất cứ ai không. Nếu không, nó chỉ tốn thời gian vô ích hoặc chỉ tốn dung lượng chia sẻ của bạn mà thôi”, Stella Tambunan - Giám đốc Tài chính của Quỹ YCAB chuyên về hỗ trợ kỹ năng kỹ thuật số cho thanh thiếu niên Indonesia nhấn mạnh.

“Một yếu tố có thể phá hủy sự thống nhất đất nước là những trò lừa bịp hay tin tức giả mạo. Nhiều người không tìm hiểu sự thật mà chia sẻ thông tin ngay lập tức. Vì vậy, cần cảnh báo người sử dụng mạng truyền thông xã hội rằng những thông tin được chia sẻ trên mạng có đúng hay không, vì mục đích gì?”.

Ông Martin Anugrah (Người sáng lập “Dự án Cameo” trên YouTube kêu gọi cộng đồng mạng Indonesia “Kiểm tra trước khi chia sẻ”)