Sự thật về làng “ế vợ”

ANTĐ - "Mấy anh phóng viên viết bài về làng ế nào có gặp tui mô. Chỉ có hôm đó là ngày mùa, tui đi gánh lúa thuê từ ngoài đồng về, tự dưng có hai anh đi xe máy nhảy xuống rồi chụp hình tui... Tưởng là chụp ảnh nông dân mùa thu hoạch nên cũng chẳng để ý lắm..."

Do nghề nghiệp nên tôi may mắn được đi nhiều nơi, đặt chân đến nhiều vùng đất và được tìm hiểu về nhiều câu chuyện lạ. Nhưng chuyện Quảng Nam có một ngôi làng nằm bên dòng sông Tiên chảy ngược, cùng lời đồn hầu hết đàn ông của làng đều "ở giá" cho đến già thì lần đầu tôi nghe kể.

Ngày đầu năm theo phong tục Việt, khi buồng cau, lá trầu trĩu cành đơm lộc là lúc các đôi uyên ương vào mùa xây tổ ấm hạnh phúc. Nhưng kỳ lạ thay, không hiểu tự bao giờ ở vùng đất ấy có một tục lệ kiêng kỵ đầu năm trong lễ cưới: Mâm trầu cau dạm ngõ nhất quyết không được "xuất xứ” ở làng Bông Dầu... Quan niệm mê tín về "dòng sông chảy ngược" để lý giải và đổ lỗi cho một số chuyện trục trặc vợ chồng không như ý của dân gian, cũng vô tình gán cho trai làng Bông Dầu mang tiếng "ế vợ" oan.

Dòng sông chảy ngược và chuyện trai làng "ế"

Từ Đà Nẵng chúng tôi phải vượt qua gần l00km với nhiều đoạn đường núi quanh co, khúc khuỷu mới đến được làng "ế vợ" Bông Dầu (thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước). Xuân về tỏa nắng khắp những triền núi cao cùng tiết trời ôn hòa đã dần thay màu áo xanh mướt cho những rừng keo lá tràm bị thiệt hại nặng nề sau đợt lũ quét của huyện Tiên Phước vào tháng 11-2013 vừa qua.

Tiếp khách đường xa về xông đất đầu năm, ngoài mâm bánh mứt ông Trương Minh Tân (76 tuổi), trưởng thôn Hội An còn thể hiện sự hiếu khách bằng thết đãi chúng tôi "lộc rừng" là chùm bòn bon mọng quả ngọt. Loại quả quý xứ Quảng nổi tiếng gắn liền với câu ví von "đói lòng ăn quả bòn bon" như để nhắc đến tích xưa khi vua quan nhà Nguyễn nhờ có trái bòn bon đói để phò chúa trong lúc hoạn nạn. Bên chén trà, mâm mứt quả đầu năm, chúng tôi còn được nghe câu chuyện về sông Tiên, lạc cảnh và chuyện làng trai ế qua chất giọng đặc sệt "Quảng Nôm" của ông cụ...

Làng Bông Dầu (thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước) từ xưa đã nổi tiếng khắp xứ Quảng với nghề ép dầu phụng (dầu lạc) và "đặc sản" trái bòn bon "trong tròn ngoài méo". Nhưng ngày nay, danh tiếng của làng không còn được như trước. Thậm chí hỏi đường về làng Bông Dầu nhiều người còn nhầm lẫn, ấy vậy mà chỉ cần nghe nhắc đến làng đàn ông "ế vợ" thì người dân lại tỏ tường, chỉ chu đáo tận nơi.

Chuyện này có lẽ xuất phát nguồn từ vùng đất này có con sông Tiên bao đời nay chảy ngược, nên người dân ở đây cho rằng vùng đất sẽ luôn trong tình trạng "dương thịnh, âm suy". Con gái trong làng lớn lên phải lần lượt đi lấy chồng rồi sinh con đẻ cái ở nơi khác. Ở làng chỉ còn lại cánh đàn ông "quá lứa lỡ thì". Thực hư chưa xác thực, cũng chỉ là câu chuyện râm ran làm quà ở chốn làng quê, xóm nhỏ. Nhưng không hiểu sao lời đồn cứ vậy lan nhanh, rồi bỗng chốc làng Bông Dầu tự dưng bị mang tiếng ế vợ. Thậm chí có một bài báo còn gán cho làng Bông Dầu đến 80% trai làng ế vợ...

Trước đây, làng Bông Dầu còn có một "câu lạc bộ" rất bi hài được đặt tên là câu lạc bộ độc thân gồm toàn những trai ế chưa vợ ở làng lập nên... Do bởi trai tráng làng Bông Dầu mưu sinh với đủ nghề lao động phổ thông, từ thợ hồ đến hớt tóc, cưa cây, chẻ đá, đến quanh năm gắn chặt với vựa cát trên sông Tiên. Và ở làng không ít đàn ông ngoài 40, thậm chí có anh thuộc thế hệ 6X đã "lỡ thì" đã lâu nhưng sáng sáng vẫn đi làm, chiều lại thui thủi một mình tự nấu nướng, giặt giũ mà hoàn toàn vắng bóng bàn tay phụ nữ. Kỳ lạ ở chỗ, không phải do trai Bông Dầu có "khiếm khuyết" nên ế vợ...

Mà đàn ông ở Bông Dầu ngoại hình bảnh chả thua kém gì trai thành thị. Lại sẵn vốn bản chất trai miền núi rắn rỏi, khỏe mạnh, rất thật thà siêng năng, chịu khó nên rất đúng chuẩn ưng ý của cánh chị em lứa tuổi cập kê. Còn xét về mặt tâm sinh lý cũng không phải là lí do, bởi trong các buổi tụ tập nhậu nhẹt hoặc "sinh hoạt" ở câu lạc bộ độc thân, chủ đề của các anh luôn là phụ nữ, không ít kinh nghiệm tình trường được học hỏi cũng nhờ câu lạc bộ này...

Tuy nhiên, cũng không thể hiểu nổi lý do tại sao trai làng lại "ở giá tập thể" như vậy. Bởi nhiều lần họ vẫn thấy trai làng ăn diện, chải chuốt tươm tất kéo nhau sang làng bên hoặc xuống thị trấn để tán gái. Nhưng rồi những "mảnh tình" ngoài lũy tre làng cũng chẳng có hi vọng tiến triển thêm. Không lý giải được nguyên nhân của hiện tượng kì lạ này, những người cao niên trong làng thường bảo nhau, bọn trẻ không tin chứ theo chiêm nghiệm của người già lâu nay là một khi có con sông chảy ngược dòng đi qua làng cho nước tưới tiêu, sinh hoạt thì sẽ sinh ra nhiều chuyện khác thường thậm chí là trái ngược, lạ đời trong cuộc sống của người dân ngôi làng đó...

"Sông Tiên nước chảy ngược dòng. Ai chưa đến đó cho lòng vấn vương..."

Giải oan cho trai làng ế

"Ê mô mà ế, chẳng qua do mải lo bươn chải với mưu sinh, cuộc sống thường nhật còn khó khăn vất vả nuôi thân còn chưa đủ thì lấy mô đèo bồng thêm vợ, sinh con"... Trai "làng ế" anh Nguyễn Mai Hoài (SN 1983) hiện là Trưởng Công An xã Tiên Châu tủm tỉm cười lý giải trước những tò mò thắc mắc của chúng tôi. Chuyện trai làng Bông Dầu ế thật ra chỉ là lời truyền miệng của những người dân hay quan niệm cổ hủ, mê tín khi thấy làng nằm bên dòng sông Tiên chảy ngược này mà thôi. Chả là mấy anh nhà báo không tìm hiểu kỹ, nên viết không chuẩn xác mới ra nông nỗi đáng tiếc như vậy. Nhưng sai thì phải sửa, dù muộn cũng phải sửa.

Con đường độc đạo dẫn vào làng Bông Dầu ở xã Tiên Châu chằng chịt những ổ voi đọng nước lầy lội. Điều làm chúng tôi đặc biệt chú ý là ở một làng "ế vợ" nhưng lại có rất nhiều trẻ con. Dẫn chúng tôi về làng, anh Hoài, Trưởng Công an xã Tiên Châu cũng không ngần ngại nói rõ những bức xức của dân làng trong thời gian qua: "Không chỉ một vài cá nhân mà rất nhiều người trong làng đều rất bức xúc trước luồng thông tin nhảm nhí trên. Đàn ông làng Bông Dầu không hề ê vợ như những thông tin mà một số bài báo mạng đã đăng. Nhiều người có tên trong bài viết đã tìm đến tôi để giải tỏa nỗi lòng, một số người gay gắt hơn còn có ý định thưa kiện.

Trong suốt 22 năm làm trưởng thôn của mình ông Tân cho biết đây là lần đầu tiên làng Bông Dầu gặp phải "tai tiếng" như vậy: "Cách đây 3 đến 4 năm, ở tổ Đoàn kết số 19 có 5 anh là Trịnh Cương, Trương Văn Minh, Nguyễn Hải, 2 người còn lại cùng mang tên Nguyễn Văn Tú. Sự thật thì vào thời điểm đó cả 5 anh đều ở độ tuổi từ 30 - 40 tuổi và đều chưa có gia đình. Nhưng 2-3 năm sau tất cả 5 người họ đều lần lượt có vợ hết cả. Bây giờ ai cũng đã có con bồng, con bế.

Theo ông Tân: "Cả thôn Hội An có cả thảy 12 tổ Đoàn kết với 392 hộ dân gồm 1.559 nhân khẩu, nghề nghiệp chính là trồng rừng, còn lại thanh niên trong làng chủ yếu làm nghề thợ đụng (ai kêu chi làm nấy -PV). Cuộc sống tương đối khó khăn, hơn 30% hộ dân phải chạy ăn từng bữa. Do vậy, cũng dễ hiểu vì răng mà đàn ông trong làng tôi thường lập gia đình muộn. Cũng do bởi hoàn cảnh nó vậy, đàn ông phải xây nhà mới cưới vợ ấy mà...! cứ cố gắng rồi tuổi cứ chất chồng khi mô không hay. Nhưng đó chỉ là thiểu số, một vài người mà thôi chứ không hề như lời bài báo viết là trên 80%".

Về phần mình, trên cương vị là một người trưởng thôn, ông Tân tâm sự, ban đầu, dân ở làng họ bức xức yêu cầu tui đi kiện. Nhưng dân xứ núi heo hút như chúng tui cũng chẳng biết kiện ai. Lâu dần, đám thanh niên cũng đã lấy vợ sinh con hết rồi cũng nguôi ngoai, không ai muốn nhắc lại nữa.

Về cuối thôn Bông Dầu, tôi gặp được nhân chứng anh Nguyễn Hải (38 tuổi, thôn Hôi An người được "vinh dự" lên mặt báo là trai ế của làng Bông Dầu năm xưa. Biết chúng tôi là phóng viên, lại nhắc lại chuyện cũ anh Hải ban đầu ra vẻ bực bội bức xúc lắm: "Mấy anh phóng viên viết bài về làng ế nào có gặp tui mô. Chỉ có hôm đó là ngày mùa, tui đi gánh lúa thuê từ ngoài đồng về, tự dưng có hai anh đi xe máy nhảy xuống rồi chụp hình tui... Tưởng là chụp ảnh nông dân mùa thu hoạch nên cũng chẳng để ý lắm, nào ngờ mấy bữa sau hình tui chình ình trên báo lại bị mang tiếng ế. Tui thì chẳng sợ chi, chỉ ngại thiệt thòi và sợ vợ tui buồn lòng thôi. Tui lấy vợ cùng tuổi tên Nguyễn Thị Được đã 7, 8 năm nay rồi. Tuy vợ chồng chưa có con nhưng cũng rất hạnh phúc, cuộc sống cũng tạm đủ ăn. Mấy dạo trước vợ đi làm công ở tít ngoài Đà Nẵng đọc báo thấy vậy cứ đùng đùng giận tui. Cô ấy còn nói lẩy "chắc anh định cưới thêm phòng nhì nên lên báo rao là mình ế à?, khiến tui năn nỉ, giải thích thế nào cô ấy cũng không chịu. Dứt lời anh Hải thở dài...!

Xuân cũng đã về, Tết cũng đã qua, hy vọng rằng sang năm mới làng Bông Dầu sẽ không còn phải mang tiếng oan "làng ế vợ" nữa...".

Làng Bông Dầu (thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện miền núi Tiên Phước) nằm về phía Tây TP.Tam Kỳ, cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam gần 30km. Nơi đây có con sông Tiên đi vào huyền thoại với câu ca: Sông Tiên nước chảy ngược dòng. Ai chưa đến đó cho lòng vấn vương... Sông không theo hướng chảy thông thường từ Tây Bắc sang Đông Nam, sông Tiên của Tiên Phước lại chảy từ hướng Tây Nam sang Đông Bắc. Cũng chính vì đặc điểm ngược đời này nên nơi đây tồn tại nhiều câu chuyện ngược kỳ lạ. Tiên Phước còn nổi tiếng và được người dân xứ Quảng gọi với mỹ danh "xứ Tiên", bởi không chỉ gắn liền với vẻ đẹp sông Tiên chảy ngược mà còn có địa danh Tiên Lãnh với núi cao 1.000 mét; thung lũng Tiên Cảnh chứa đầy truyền thuyết dị nhân khổng lồ đắp núi, khơi nguồn nước sông Đá Giăng - Lò Thung.