Sự thật trần trụi khiến nhiều người choáng váng

ANTĐ - Trong thế giới văn minh nhưng bạo lực với phụ nữ vẫn đang tồn tại như một sự thật trần trụi làm dư luận phải giật mình.

Biểu tình tại Nepal phản đối bạo lực với phụ nữ

Dựa trên các nghiên cứu từ năm 1983 đến năm 2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cho công bố một báo cáo cho biết khoảng 1/3 phụ nữ trên thế giới thường xuyên phải đối mặt với bạo lực tình dục hoặc bị bạo hành. Cũng theo báo cáo trên, hơn 60% phụ nữ trên thế giới sống ở các quốc gia, nơi mà tình trạng bạo hành gia đình không được xem là một tội ác. 

Bạo hành với phụ nữ đã trở thành vấn đề toàn cầu, xảy ra trong mọi tầng lớp xã hội, mọi lãnh thổ, không phân biệt giàu hay nghèo, văn hoá và tôn giáo, có học thức hay không. Ở Mỹ, cứ 15 giây lại có một phụ nữ bị đánh đập, 6 phút xảy ra một vụ hiếp dâm, mỗi ngày có 4 phụ nữ bị kẻ bạo hành giết chết. Ở Ấn Độ, mỗi ngày có 4 phụ nữ bị thiêu sống liên quan đến vấn đề hồi môn…

Đó là sự thật đau lòng. Nó là minh chứng cho thấy một bộ phận không nhỏ của nhân loại đang bị rơi vào thế yếu, bị dồn đến chân tường nhưng không thể, và cũng không đủ sức phản kháng. Điều đáng nói hơn là thủ phạm của những vụ bạo hành với phụ nữ thường là người họ yêu thương và tin tưởng, những người có quyền lực và trách nhiệm trong gia đình.

Các nghiên cứu cho thấy hứng chịu bạo lực với phụ nữ là một bất hạnh lớn trong quan hệ tình cảm của con người. Rất nhiều trường hợp nạn nhân bị bạo hành đã phải chịu thương tật suốt đời, thậm chí tử vong trong đau đớn. Từ góc độ xã hội, bạo hành gia đình trở thành một vấn nạn gây mất ổn định nghiêm trọng về mặt xã hội, cản trở các mục tiêu phát triển. 

Rõ ràng, được đối xử công bằng và bình đẳng vẫn là mơ ước xa vời của nhiều phụ nữ, kể cả ở những quốc gia phát triển và những đất nước nghèo đói. Phát biểu tại phiên họp lần thứ 57 của Ủy ban về tình trạng phụ nữ đang diễn ra tại New York, Mỹ, hồi tháng 3 vừa rồi, Phó tổng thư ký LHQ J. Eliasson khẳng định chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ là vấn đề có tính sống còn.

Tuy nhiên, nỗ lực của cộng đồng quốc tế hiện chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Thực tế cho thấy nhiều chương trình hành động chưa thật sự hiệu quả, sự trừng phạt của pháp luật không đủ mạnh. Sự thiếu quan tâm của các cơ quan công quyền, các tổ chức xã hội; sự phê phán không đủ sâu và rộng từ dư luận xã hội, sự gia tăng của nạn bạo hành gia đình trong xã hội hiện đại… chính là nỗi hổ thẹn với cả thế giới tự cho mình đang chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học và nhân văn.

Chính vì thế, một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn nạn bạo lực với phụ nữ là tăng quyền lực cho phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Đây cần phải là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình nghị sự của LHQ về phát triển sau năm 2015, khi các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hết hạn. Tuyên ngôn Bắc Kinh 1995 tại Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ 4 của Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Rio 1992 đã công nhận việc tăng quyền năng cho phụ nữ để phát triển bền vững. 

Vấn đề còn lại là chính phủ các nước sớm nhận thức rõ vấn đề trên cũng như xây dựng một đội ngũ nhân viên y tế và nhân viên xã hội để xác định các hành vi bạo hành và hỗ trợ phụ nữ đối phó với các hành vi trên. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới khép lại được một sự thật trần trụi trong thế giới văn minh.