Sự thật chiến lược Mỹ đặt châu Á làm trọng tâm

ANTĐ - Sinh ra ở Hawaii cũng như có những năm tháng niên thiếu ở Indonesia, Barack Obama tự gọi mình là "tổng thống Thái Bình dương" và đang cùng các quan chức thân cận nỗ lực gây dựng vị thế bền vững của Mỹ ở khu vực này. Đầu năm nay, Obama tuyên bố chiến lược quốc phòng mới của nước Mỹ, trong đó có việc rút hết hoặc từng phần binh sĩ ra khỏi Iraq và Afghanistan, đồng thời chuyển dịch dần trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Con số và sự kiện

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta sau đó cụ thể hóa chiến lược này với tuyên bố 60 % số chiến hạm của Mỹ sẽ được đưa tới châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới. Đến năm 2020, Lầu Năm Góc dự kiến 60% lực lượng hải quân của họ đóng tại châu Á, cao hơn mức 50% hiện nay. Các nhà phân tích nói rằng họ không có con số cụ thể nhưng sẽ có sự tổ chức lại tại các căn cứ ở Nhật và từ cuộc chiến ở Afghanistan. Trong thực tế, không phải chờ đến lúc Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta đến dự Đối thoại Shangri-La đầu tháng 6-2012 người ta mới biết Washington sẽ chuyển “hỏa lực” Hải quân Mỹ sang Đông Nam Á, với tỉ lệ 60/40 dành cho Thái Bình Dương so với Đại Tây Dương. Tản mát trong những phát biểu đó đây của giới chức quân sự Mỹ đã bộc lộ việc chuyển “thuốc súng” như vậy rồi.

Chiều 16-11, tại Hội nghị tham vấn với các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tổ chức ở Siem Riep, Campuchia, thảo luận về phương hướng thúc đẩy hợp tác an ninh Mỹ-ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết trong năm 2013 tới, Mỹ sẽ tham gia vào 3 cuộc tập trận quân sự ở Đông Nam Á.

Theo AP, các cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phản ánh mối quan tâm ngày càng lớn của chính quyền Tổng thống Obama đối với việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ an ninh của Mỹ với khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các sáng kiến an ninh mở rộng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng các đối tác trong khu vực giải quyết những thách thức an ninh đang đặt ra như bảo đảm an ninh trên biển, an toàn hàng hải, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, đối phó với thiên tai.

Ông Panetta khẳng định Mỹ sẵn sàng tham gia các diễn đàn quốc phòng ASEAN mở rộng, đồng thời ủng hộ và hợp tác cùng ASEAN trong việc thực hiện các sáng kiến an ninh vì một khu vực ASEAN hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển. Đồng thời, ông Panetta cũng cho biết việc Mỹ hướng trọng tâm vào khu vực Châu Á sẽ diễn ra lâu dài và nó sẽ bao gồm cả những nỗ lực kinh tế và ngoại giao chứ không chỉ gói gọn trong vấn đề hợp tác an ninh.

Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm Australia tuần này cùng Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói rằng: "Các vùng biển châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở thành tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu và là một trọng tâm then chốt trong việc Mỹ tham gia tại khu vực này - nơi mà chúng tôi đề cập về chiến lược “đặt châu Á làm trọng tâm”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gọi thế kỷ 21 là "thế kỷ Thái Bình Dương" và nhắc lại cam kết của Mỹ về việc tăng cường hợp tác quân sự và tài chính với khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Mỹ đã đạt được thỏa thuận triển khai một trạm radar mạnh và một kính viễn vọng không gian tiên tiến ở Australia, một phần trong kế hoạch tái tập trung ưu tiên của Mỹ ở châu Á -Thái Bình Dương. Bộ trưởng Leon Panettea miêu tả đây là “một bước nhảy lớn tiến tới hợp tác không gian song phương và một mặt trận mới quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương”.

Mỹ đã triển khai một đơn vị lính thủy đánh bộ gồm 250 binh sỹ tới Australia và con số này sẽ tăng lên 2.500 binh sỹ vào năm 2016. Để tăng cường ảnh hưởng hơn nữa, Washington cũng đang cố gắng thảo luận với chính phủ Australia để được cho phép  tiếp cận các sân bay ở Bắc Australia cũng như các quân cảng gồm Stirling, gần Perth... 

Phía sau sự có mặt...

Mỹ được cho là đang khôi phục lại quyền lợi của họ tại Thái Bình Dương và các mối quan hệ được cho là nhằm đối trọng với sự trỗi dậy và ảnh hưởng của các cường quốc khu vực như là Ấn Độ và Trung Quốc. Chiến lược mới là một cách để Washington gây dựng lại hình ảnh tại khu vực có vị trí trọng yếu trên bản đồ thế giới. Phục vụ chiến lược này là hàng loạt chuyến thăm mà Obama và các quan chức thân cận của ông đang và sẽ thực hiện tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Trong chuyến công du đầu tiên kể từ sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama sẽ ghé qua ba nước Đông Nam Á trong vòng 4 ngày. Điểm dừng chân đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng là nơi mà những người tiền nhiệm của ông thậm chí chưa từng nghĩ là Myanmar. Cũng trong chuyến công du Đông Nam Á, ông Obama còn tới Campuchia để tham gia hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và gặp gỡ những nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây cũng là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ tới thăm Campuchia.

Khu vực ASEAN có vai trò quan trọng đối với những nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế ảnh hưởng quân sự ngày một lớn của Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc có những tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số quốc gia ASEAN, những động thái của Mỹ được cho là sẽ có tác động nhất định tới quá trình giải quyết các mâu thuẫn. 

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc là nữ  thiếu tá Catherine Wilkinson cho biết: với tư cách một cường quốc Thái Bình Dương, Mỹ quan tâm tới tự do hàng hải, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế và hoạt động thương mại không bị ngăn trở, đúng pháp luật trên khắp các tuyến đường biển. “Sự hiện diện của quân đội chúng tôi trong khu vực giúp duy trì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương” - Bà Wilkinson nói.

Philippines, Australia và các quốc gia khác trong khu vực đang chứng kiến một sự hồi sinh của các tàu chiến Mỹ, các máy bay và binh sĩ Mỹ kể từ khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố một sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại, kinh tế, và an ninh theo hướng đặt châu Á làm trọng tâm hồi năm ngoái. Những hoạt động của Mỹ tại Vịnh Subic, một thành phố duyên hải lộng gió cách thủ đô Manila 80km về phía bắc khiến cho người ta có cảm giác đây không khác gì một thành phố ngoại ô của Mỹ với các trung tâm mua sắm, các cửa hàng đồ ăn nhanh và những thành phố sáng đèn. Tháng trước, có 70 tàu hải quân Mỹ đã qua Vịnh Subic, nhiều hơn con số 55 tàu năm 2011 và 51 tàu năm 2010. Lầu Năm Góc nói rằng có hơn 100 máy bay của Mỹ dừng tại Clark mỗi tháng, đây là một căn cứ cũ của Mỹ nằm giữa Manila và Subic.

Tuy Washington nói đi nói lại rằng sự chuyển hướng này không nhằm kiềm chế Trung Quốc hoặc trở lại các căn cứ quân sự trước kia về lâu dài, nhưng đôi khi rất khó để nói về một điều rất khác ở Vịnh Subic, một cảng nước sâu gần các tuyến đường thủy sống còn và các tranh chấp biên giới ở biển Đông vừa gây căng thẳng cho các quốc gia trong khu vực. Căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ và sự chuyển hướng của Mỹ đối với khu vực này sẽ được đặt lên rất cao trong nghị trình của ông Obama tại Đông Nam Á tuần tới.