Sự sống 36 ngày

ANTĐ - Một vụ việc đang gây phẫn nộ trong dư luận ở Anh khi một bé trai sinh non và bị tim bẩm sinh đã tử vong sau khi y tá tự ý rút máy thở mà không được sự đồng ý của bố mẹ em bé và cũng không có sự chỉ định của bác sĩ.

Bé Rohan tại bệnh viện St Michael

Nỗi đau mất con 

Bé Rohan Rhodes sinh non 15 tuần tại Bệnh viện Singleton ở Swansea, xứ Wales, Anh, hồi tháng 8-2012. Mặc dù sinh non nhưng bé Rohan đã vượt qua được những tuần đầu nguy kịch và sức khỏe dần tiến triển khi được các y bác sĩ chăm sóc đặc biệt. Từ lúc sinh ra, bé Rohan phải thở bằng máy và một bên van tim bị hở. 5 tuần sau khi sinh, các bác sĩ cho hay bé cần được đưa đến Bristol để các chuyên gia phẫu thuật tim. 

Tháng 9-2012, bé Rohan được chuyển đến Bệnh viện St. Michael, thuộc Hệ thống Bảo hiểm khám, chữa bệnh quốc gia Anh (NHS). Bố mẹ của bé Rohan là Alex Rhodes và Bronwyn Vincent, sống ở Narberth, Pembrokeshire kể lại, một hôm một phụ nữ mặc áo y tá có tên Amanda  Dallorzo đến bên giường của Rohan và nói: “Cậu bé, cháu sẽ không cần đến máy thở nữa”. Lúc đó, vợ chồng chị Bronwyn chỉ nghĩ cô y tá đó nói đùa. Theo những gì bác sĩ của Bệnh viện St. Michael nói trước đó: Rohan cần phải được dùng máy thở cho đến khi phẫu thuật. Vợ chồng chị Bronwyn trở về nhà và khi quay lại bệnh viện thì phát hiện bé Rohan không còn dùng máy thở, tím tái. Vợ chồng chị Bronwyn lập tức chạy đi gọi bác sĩ.

Chị Bronwyn Vincent, 34 tuổi, là bác sĩ thú y, khóc nấc cho biết ai đó đã tự ý rút máy thở khiến bé bị hoại tử ruột. Biến chứng hoại tử ruột sẽ gây nguy hiểm, thậm chí tử vong ở trẻ sinh non, đặc biệt đối với trẻ có vấn đề về tim. Trường hợp của Rohan chỉ được rút máy thở khi có chỉ định của bác sĩ, trong khi đó bác sĩ điều trị cho Rohan không hề đưa ra quyết định nào.

Bé Rohan tử vong vào ngày 30-9-2012 khi mới được 36 ngày tuổi với một loạt biến chứng: vỡ ruột, viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu. Nữ y tá Amanda Dallorzo không những không hề bị kỷ luật gì sau vụ việc, thậm chí hiện vẫn làm việc tại Bệnh viện St. Michael và tiếp tục được đào tạo nâng cao. Trong khi đó, bệnh viện này còn bưng bít vụ việc cho đến nay và cũng không đưa ra câu trả lời cho nguyên nhân cái chết của bé Rohan.

Điều tra nguyên nhân tử vong

Sau khi được bố mẹ bé Rohan báo, các bác sĩ đã chạy đến xin lỗi và cắm lại máy thở nhưng cậu bé đã không bao giờ hồi phục và cuộc phẫu thuật đóng van tim cho bé Rohan vĩnh viễn chẳng thể thực hiện được nữa. Vì nhiều lần đến làm việc với Bệnh viện St. Michael nhưng đều không có kết quả nên vợ chồng Bronwyn đã đệ đơn kiện.

Đầu năm 2014, Giáo sư Bruce Keogh, Giám đốc Y tế của NHS cho biết cơ quan này sẽ mở một cuộc điều tra kỹ và minh bạch về nguyên nhân cái chết của bé Rohan với sự phối hợp của Bệnh viện Nhi Bristol Royal, trực thuộc NHS. 

Tại phiên tòa xét xử tại Tòa án Flax Bourton Coroner hôm 25-2, các nhân viên điều tra cho biết, bé Rohan được lấy máu để làm 3 xét nghiệm vài giờ trước khi bé qua đời. Điều tra viên Maria Voisin đặt nghi vấn các xét nghiệm này càng làm giảm đi cơ hội sống của bé Rohan. Trong khi đó, cha mẹ của Rohan nói trước tòa rằng các ống truyền thức ăn đã đặt vào bé Rohan trước đó đã khiến bé đau đớn, kiệt sức. Tuy nhiên Bệnh viện St. Michael khẳng định các ống đều an toàn.

Trong phiên điều trần tiếp theo hôm 26-2, y tá Amanda Dallorzo bào chữa rằng cô ta rút máy thở của bé Rohan rồi lắp mặt nạ thở oxy cho bé. Khi đó, bác sĩ điều trị cho Rohan là David Harding bận công tác cả tuần, không có mặt tại bệnh viện. Hơn nữa, thời điểm bé Rohan tử vong là vào cuối tuần nên ít y tá trực. Y tá Amanda thừa nhận đã tự quyết định rút máy thở cho bé Rohan vì trong hồ sơ bệnh án của bé có ghi như vậy nhưng cô ta đã không theo dõi tình trạng bé Rohan sau đó. Vụ việc vẫn đang được điều tra.