Sự nguy hiểm của nguồn nước nhiễm thạch tín

ANTĐ - Hỏi: Gần đây báo chí đưa tin 100% mẫu nước ở Trạm cấp nước Mỹ Đình II chứa thạch tín vượt ngưỡng cho phép khiến gia đình tôi rất lo lắng vì chúng tôi đã sử dụng nguồn nước này nhiều năm. Xin hỏi bác sĩ nước chứa thạch tín ảnh hưởng đến sức khỏe như thế  nào?

Trả lời: Từ lâu mọi người đều hiểu thạch tín, với tên gọi khoa học thường dùng là asen hoặc arsenic rất độc hại. Nó độc gấp 4 lần thủy ngân. Khi uống phải một lượng asen bằng nửa hạt đỗ xanh có thể chết ngay. Trước đây, người dân chỉ biết asen qua tên vị thuốc bắc trong các quầy thuốc đông y. Mãi đến mười năm gần đây, khi hàng loạt người trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam bị mắc những căn bệnh nguy hiểm dẫn đến ung thư thì mới xét nghiệm nước và chỉ định ra: asen chính là một thủ phạm.

Theo số liệu của WHO, cứ 10.000 người thì có 6 người bị ung thư do sử dụng nước ăn có nồng độ asen lớn hơn 0,01 mg/lít nước. Thế nhưng cho đến ngày nay loài người chưa tìm ra được thuốc đặc trị những căn bệnh do nhiễm asen gây nên. Asen xâm nhập vào con người qua con đường nước uống, không khí trong vùng ô nhiễm, nhiễm da do tiếp xúc nhiều liên tục với nguồn nước, không khí ô nhiễm. Vào trong cơ thể con người asen thường tích tụ trong não, các mô da, móng tay, tóc, răng, xương và trong các bộ phận giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non nên gây nhiễm độc cấp tính cao. Nhưng sự xâm nhập asen qua đường nước ăn uống mới là nguy hiểm nhất. Vì nó diễn ra hàng ngày, theo con đường tiêu hóa mà nước trong cơ thể chiếm tỉ lệ cao. Khi tích tụ trong cơ thể như vậy sen sẽ tác động gây ra bệnh. Theo nhiều nhà khoa học asen có thể gây ra tới 19 loại bệnh khác nhau. Nếu bị nhiễm độc asen với liều lượng dù nhỏ nhưng tích tụ trong thời gian dài, sau 5-10 năm, sẽ gây: mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm.

Hai loại bệnh phổ biến nhất do asen gây ra là ung thư da và phổi. Nhiều nơi có hội chứng xạm da, sừng hóa bẩm sinh gan bàn chân. Thay đổi sắc tố da, phát sinh các điểm tối điểm sáng trong lòng bàn tay, chân, gây sừng cứng và hoại tử. Tích tụ asen lâu ngày gây nên da mặt xám, rụng tóc, giảm trí nhớ, mạch máu bị tổn thương, bệnh rối loạn nhịp tim, đau mắt, đau tai, bệnh viêm dạ dày và ruột làm kiệt sức, gây mụn loét, bệnh ung thư, bệnh gây cảm giác về sự di động bị rối loạn, bệnh tiểu đường. Nguồn nước bị nhiễm asen dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe các bà mẹ, làm động thai ảnh hưởng đến thai nhi và gây ra những bệnh phổi ác tính, những tác động xấu lên sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ con mới lớn. 

Trong trường hợp đã bị nhiễm độc asen, muốn giảm bớt các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần được đảm bảo chế độ ăn uống thật tốt, giảm protein, bổ sung các vitamin để giúp cơ thể thải asen nhanh hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể dùng thuốc giúp gan thải asen ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, phải đến ngay bệnh viện để có những lời khuyên, chỉ dẫn của bác sĩ.