Sứ mệnh lịch sử oanh liệt và rạng rỡ của kinh đô 1010 năm tuổi (4): Những thăng trầm không thể nào quên về Kỳ đài Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xuyên suốt chiều dài và bề dày 1010 năm tuổi, nếu như Thăng Long - Hà Nội là trái tim của cả nước, thì khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long chính là trái tim của kinh đô Thăng Long. Trong không gian khu di tích này có một công trình đến bây giờ có thể nói là còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất - đó là Kỳ đài Hà Nội hay còn gọi là Cột cờ Hà Nội.
Kỳ đài Hà Nội hay còn gọi là Cột cờ Hà Nội là biểu tượng sừng sững và đầy kiêu hãnh của Thăng Long - Hà Nội

Kỳ đài Hà Nội hay còn gọi là Cột cờ Hà Nội là biểu tượng sừng sững và đầy kiêu hãnh của Thăng Long - Hà Nội

Thăng trầm - Biến động - Hào hùng

Nếu vẽ bức tranh về Hà Nội bằng thơ ca, âm nhạc hay hội họa thì có lẽ Cột cờ là một trong những hình ảnh không thể nào thiếu được. Công trình này tính đến nay cũng đã 208 tuổi, trở thành biểu tượng sừng sững và đầy kiêu hãnh của Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, đây không chỉ là công trình có giá trị lớn lao về mặt kiến trúc, mà còn chứa đựng những câu chuyện xúc động gợi nhớ về cả một thời kỳ đầy thăng trầm, biến động và hào hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Dựa vào khảo cổ tư liệu lịch sử, Cột cờ Hà Nội được xây dựng từ thế kỷ thứ XIX (chính xác là từ năm 1805 đến 1812) trên nền đất cũ là tòa thành Tam Môn của đời Lê nằm trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ngày nay, công trình này nằm trên đường Điện Biên Phủ, trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam. Xưa kia, Cột cờ và Cửa Bắc được xem là vị trí đánh dấu điểm đầu và điểm cuối của trục chính tâm hay còn gọi là “trục thần đạo”. Trục này được hiểu là con đường ngự đạo nối cổng thành vào tận bệ rồng vua ngự mỗi lần thiết triều, có ý nghĩa linh thiêng không chỉ của Thành Hà Nội mà của cả Cấm thành Thăng Long xưa.

Trò chuyện với nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến thì thời điểm Vua Gia Long triều Nguyễn cho xây dựng Cột cờ Hà Nội có nhiều lý do về cả đối nội lẫn đối ngoại. Theo đó, về đối ngoại thì công trình này như một sự khẳng định với phương Bắc rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Còn về đối nội thì trước đó mặc dù Vua Quang Trung đã đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long nhưng chưa hoàn toàn làm chủ được miền Bắc.

Vì vậy, đến thời nhà Nguyễn, Vua Gia Long cho xây dựng cột cờ ở nhiều tỉnh, thành khác nhau để khẳng định vai trò trị vì của mình trên đất Việt Nam, từ cột cờ ở Nam Định đến cột cờ ở Sơn Tây, rồi tới cột cờ ở Hưng Hóa (nay là huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ)... Trong số các công trình cột cờ này thì Cột cờ Hà Nội được xây dựng đầu tiên, có quy mô và chiều cao đến bây giờ vẫn là kỷ lục.

Sử sách ghi lại, dưới thời nhà Nguyễn, Cột cờ Hà Nội còn là nơi người đứng đầu triều đình cùng bá quan văn võ xem duyệt quân, đấu võ. Lá cờ vàng của triều đình thường được treo trên đỉnh Cột cờ vào các dịp lễ, Tết. Trong suốt cuộc hành trình hơn hai thế kỷ qua, việc treo cờ tại đây cũng trải qua không ít lần thay đổi và mỗi lần như vậy lại gắn liền với một giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến thì đến ngày nay chỉ có một vài dòng sơ sài nói về lá cờ từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đó là lá cờ màu vàng, màu hay dùng trong Phật giáo. Đến thời Lý, Trần, Lê thì gần nhưng không có tư liệu gì ghi chép lại về cờ, chỉ biết tất cả các cổng ra vào chính của Hoàng thành Thăng Long đều treo cờ nhưng không ai biết cờ trông như thế nào, màu sắc họa tiết gì, dài rộng ra sao.

Đến triều Nguyễn, bắt đầu từ đời Vua Gia Long thì xuất hiện lá cờ mà sử xưa ghi lại gọi là “Long Tinh Kỳ” hay người dân vẫn gọi nôm na là Cờ Rồng với nền màu cam, ở giữa có chấm đỏ, xung quanh là tua dua màu xanh. Cờ này mang ý nghĩa theo tuổi của người đứng đầu triều đại. Khi Cột cờ Hà Nội xây xong thì nhà Nguyễn cho treo lá cờ này lên trên đỉnh. Lá Cờ Rồng ấy được treo từ năm 1812 đến tháng 4-1882 thì phải hạ xuống khi người Pháp đánh Thành Hà Nội lần thứ hai. Sau khi chiếm thành, Pháp cũng không treo cờ gì trên đỉnh Cột cờ Hà Nội cả mà sử dụng tầng trên cùng nuôi chim bồ câu để liên lạc thông tin với các chỉ huy quân đội Pháp đang đưa quân đi đánh chiếm các tỉnh miền Bắc.

Đến năm 1888, khi Vua Đồng Khánh ký đạo dụ nhượng trọn quyền sử dụng đất ở 3 thành phố lớn gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp, từ bỏ mọi quyền hành của Chính phủ Đại Nam trên các lãnh thổ này, thì Pháp quyết định thành lập thành phố Hà Nội thuộc Pháp và bắt đầu treo cờ Pháp trên đỉnh Cột cờ Hà Nội với ý nghĩa khẳng định mảnh đất này là thuộc địa của mình.

Lá cờ Pháp tồn tại trên đỉnh Cột cờ Hà Nội đến tháng 3-1945 khi Nhật tiến hành đảo chính Pháp. Tuy nhiên, sau khi hạ lá cờ Pháp xuống thì chính quyền phát xít Nhật cũng không treo cờ Nhật lên. Đỉnh Cột cờ Hà Nội vì vậy vắng bóng cờ đến thời điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giành độc lập và lá cờ đỏ sao vàng được treo lên tung bay phấp phới. Song lá cờ đỏ sao vàng khi ấy chưa chính thức được chọn là Quốc kỳ của Việt Nam. Đến năm 1956 tại Kỳ họp Quốc hội đầu tiên thì lá cờ này mới chính thức trở thành Quốc kỳ của nước ta.

Trở lại với thăng trầm của lá cờ trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa treo lên đỉnh Cột cờ cũng chỉ tung bay đến khi Pháp quay trở lại tái đánh chiếm Hà Nội vào tháng 12-1946 thì bị thực dân Pháp gỡ xuống, đồng thời treo cờ nước Pháp lên để một lần nữa khẳng định quyền đô hộ. Lá cờ Pháp tồn tại ở vị trí đó đến 9h sáng 9-10-1954 thì buộc phải hạ xuống vì chiều hôm đó quân đội Pháp buộc phải rút quân khỏi Hà Nội theo Hiệp định Geneve đã ký kết.

Qua những tài liệu nghiên cứu được, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến kể lại: “Trời lạ lùng sáng hôm ấy mưa tầm tã, người Pháp hạ cờ trong nỗi buồn vô tả sau khi viên tướng chỉ huy chiến trường Bắc bộ đỡ lá cờ Pháp cất vào hòm, trên đỉnh cột cờ không còn cờ nào cả. Thời khắc lá cờ Pháp hạ xuống, họ bùi ngùi vì lá cờ đã treo ở đấy năm 1887 đến tận 1954 tức là hơn 70 năm. Họ rưng rưng ở chỗ, lá cờ của Pháp là biểu trưng cho nước Pháp, nước Pháp thua trận đớn đau và phải rút khỏi mảnh đất này, mất đi một thuộc địa. Họ mô tả người lính Pháp khóc trong nước mưa không biết nước mưa hay nước mắt, nhưng họ mô tả chắc là nước mắt”.

Sau khi lá cờ Pháp hạ xuống thì lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam lại được treo lên đỉnh Cột cờ Hà Nội đến khi miền Bắc bị Mỹ ném bom vào tháng 8-1964. Thời điểm đó, chính quyền ta lo ngại việc treo cờ sẽ khiến khu vực này trở thành mục tiêu bị không quân Mỹ ném bom nên quyết định hạ lá cờ này xuống.

Sau khi lá cờ đỏ sao vàng được hạ xuống thì Cột cờ Hà Nội trở thành đài quan sát của bộ đội ta suốt một thời gian dài. Đến đầu năm 1973 khi Mỹ ngồi vào bàn đàm phán hiệp định Paris cam kết không ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, tức là không ném bom Hà Nội thì lá cờ của dân tộc Việt Nam mới được treo lại. Từ đó đến sau này, trải qua một số thăng trầm lịch sử nữa nhưng cơ bản là lá cờ đỏ sao vàng được treo trên đỉnh Cột cờ Hà Nội cho tới ngày nay.

Bí ẩn chưa thể lý giải và giá trị không thể tranh cãi

Ngay từ khi ra đời, Cột cờ Hà Nội không chỉ cao nhất Hà Nội mà còn cao nhất cả khu vực miền Bắc của đất nước. Tính cả chân đế thì công trình này có độ cao lên tới hơn 50m. Đứng ở trên đỉnh Cột cờ có thể quan sát thấy cả bốn phía Hà Nội. Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến thì sau này vào năm 1929, ở Hà Nội xuất hiện một công trình nữa “ganh tỵ” về độ cao kỷ lục này nhưng vẫn chưa thể nào cao bằng được, đó là Nhà in Báo Nhân dân nằm trên phố Tràng Tiền, lúc bấy giờ là một công ty của Pháp, cao gần 30m.

Cũng theo nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, khi giá trị của Cột cờ Hà Nội còn ở chỗ, công trình ấy không chỉ là biểu tượng mang dấu ấn lịch sử của Thăng Long Hà Nội mà còn là nơi mà bất kỳ ai sống ở Hà Nội những năm tháng đó. Vì ở vị trí rất cao và đặc biệt nên dù đứng ở góc phố nào của Hà Nội lúc bấy giờ, người ta cũng nhìn thấy bóng dáng của Cột cờ. Thế nên khi nhớ về Hà Nội là người ta nhớ về Cột cờ đầu tiên. Chuyện kể rằng, khi người Pháp chiếm Hà Nội, treo cờ Pháp trên đỉnh Cột cờ, bắt học sinh, sinh viên hát Quốc ca Pháp, chào cờ Pháp thì nhiều học sinh đã phản ứng bằng cách đi qua khu vực Cột cờ không thèm nhìn lên cờ Pháp, cũng không chào cờ và không hát Quốc ca Pháp.

Đứng ở góc độ giá trị kiến trúc của Cột cờ Hà Nội, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội thì có thể nói công trình này gần giống như một kim tự tháp với đầy đủ sự độc đáo về kích thước lẫn giá trị ấn tượng về mặt nghệ thuật chứ không hề đơn giản. Thời điểm đó, trình độ công kỹ nghệ, tiềm lực kinh tế, nguyên vật liệu xây dựng, dân phu… tất cả đều thô sơ và hạn chế. Thậm chí lúc đó còn chưa có cả xi măng hay bê tông nên việc xây dựng công trình này thế nào cho tới bây giờ vẫn chưa có câu trả lời chính xác bởi không có tài liệu nào ghi chép lại cụ thể mà tất cả vẫn chỉ là dựa trên những nghiên cứu chuyên môn và phán đoán.

Như lời Kiến trúc sư Trần Huy Ánh thì sau này dựa vào những hiện vật còn sót lại, người ta thấy có yếu tố gạch Chăm trong việc xây dựng Cột cờ Hà Nội. Nếu nói về kiến trúc đền tháp thì có thể kể đến hàng loạt các công trình trước đó như: tháp Bình Sơn, tháp chùa Bút Tháp, tháp chùa Dâu… Các công trình này phần nhiều là tháp gạch, kỹ thuật xây dựng thời đó cũng còn hạn chế nên các công trình hầu như không đương đầu được với thách thức của thiên nhiên, không có cách nào thu sét… song vẫn để lại các dấu tích vô cùng kiêu hãnh. Tuy vậy có thể nói Cột cờ Hà Nội vẫn được xem là đỉnh cao minh chứng cho thành tựu của một giai đoạn phát triển kinh tế, công kỹ nghệ dựa trên nông nghiệp trải dài suốt từ thời Lý đến thời Nguyễn.

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, giai đoạn Cột cờ Hà Nội được xây dựng có thể nói là quy tụ được kỹ thuật cao nhất, lao động tinh xảo nhất và cả điều kiện vật chất được dồn vào nhiều nhất. Ngay như việc để xây dựng được công trình này là cả một sự tính toán vô cùng đáng nể về mặt kiến trúc như: làm thế nào để sức nén, độ cân bằng phải đối xứng, giải quyết được sự đối xứng đó mới tạo nên được khối vật chất có thể dàn đều tải trọng, vượt qua được thử thách của thiên nhiên và chính bản thân sức nặng của nó để tồn tại tới tận bây giờ.

Tuy đây không phải công trình có kiến trúc tháp đầu tiên nhưng lại đạt được kỷ lục về chiều cao, sức nặng, công năng. Đặc biệt, đó không chỉ còn là công trình mang ý nghĩa tôn giáo nữa mà còn phục vụ mục đích quân sự và dân dụng không chỉ của một thời kỳ hay một triều đại. Vì thế nên nó còn mang giá trị cực kỳ lớn lao về mặt lịch sử, trở thành một trong những công trình mang tính biểu tượng của Thăng Long Hà Nội.

Cũng theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh thì có thể tìm thấy dấu vết gạch Chàm ở kiến trúc Cột cờ Hà Nội. Tuy chưa có tài liệu nào nói rõ về sự tham gia của người Chàm vào việc xây dựng công trình này song có rất nhiều yếu tố cho thấy việc xây dựng công trình Cột cờ có sự giao thoa cộng hưởng giữa hai kỹ thuật Hán - Chàm và không ngoại trừ sự tư vấn của cả những người Pháp am hiểu về kỹ thuật xây dựng làm việc dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, đấy vẫn chỉ là phỏng đoán và đến bây giờ vẫn chưa ai có thể giải mã được công trình này đã được xây dựng ra sao và làm như thế nào. Ngay như làm thế nào để tạo ra chất kết dính vật liệu trong quá trình xây dựng khi chưa có xi măng hay bê tông, cũng chưa có công nghệ luyện kim, vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

(Còn tiếp)


“Nằm trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội có tiềm năng du lịch rất lớn song tiếc là các nhà quản lý văn hóa và du lịch vẫn chưa khai thác được hết. Chúng ta cần phải nghĩ ra nhiều cách để tạo hứng thú, hứng khởi cho khách du lịch khi tìm đến đây. Nếu chỉ dựa vào những dòng ghi chú về lịch sử thì có lẽ chưa đủ mà nên chăng phục dựng lễ treo cờ, hạ cờ từ xưa đến nay mỗi tháng 1-2 lần để mọi người hiểu hơn về ý nghĩa lịch sử của việc treo cờ và cả giá trị lịch sử của Cột cờ Hà Nội. Tất cả các mẫu cờ từ thời triều Nguyễn, tức là đầu thế kỷ XIX đến nay vẫn còn nguyên, mô tả rất kỹ càng, có nơi còn lưu trữ, sao không tái hiện. Bên cạnh đó việc trả lại nguyên vẹn vị trí hùng vĩ, bề thế của Cột cờ để mọi người có thể đứng từ dưới nhìn lên thấy hết không gian linh thiêng của nó cũng là việc nên làm”.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến

“Chúng ta từng thấy nhiều sự kiện nghệ thuật lớn được tổ chức ở hồ Gươm, rồi trong không gian Hoàng thành Thăng Long và lý do gì Cột cờ Hà Nội không đóng góp vào việc trở thành bối cảnh cho những sự kiện có ý nghĩa sáng tạo, thể hiện bước tiên phong trong sáng tạo dựa trên nền tảng có tính biểu tượng lịch sử”.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội)