Sứ mệnh "khai quật" sự thật của những máy bay không người lái

ANTD.VN - Máy bay không người lái và những thiết bị công nghệ số đang trở thành công cụ giúp nhiều nhà báo châu Phi trong quá trình tác nghiệp. Nó không chỉ làm sáng tỏ sự thật trong những bản báo cáo “có vấn đề” mà còn giúp các nhà báo có được hình ảnh chân thực tại những khu vực mà họ không thể tiếp cận được. 

Sứ mệnh "khai quật" sự thật của những máy bay không người lái ảnh 1Máy bay không người lái giúp các nhà báo châu Phi thu thập được nhiều thông tin chân thực trong quá trình tác nghiệp

Công cụ hữu hiệu để “khai quật” sự thật

Nhà báo Soila ở Nairobi, Kenya cho rằng, công nghệ là một công cụ hữu hiệu để “khai quật” sự thật. Cô kể lại cuộc tấn công của nhóm khủng bố al-Shabab vào một căn cứ quân sự ở Kulbiyow, Somalia vào năm ngoái. Khi đó, lực lượng phòng thủ Kenya tuyên bố đã đánh bại những kẻ tấn công và thiệt hại là không đáng kể. Tuy nhiên, những hình ảnh thu được từ vệ tinh và máy bay không người lái đã cho thấy sự thật khác. “Công nghệ vệ tinh đã “khai quật” sự thật và chúng ta cần phải biết sự thật”, nhà báo Soila nói.

“Không chỉ giúp các nhà báo kiểm chứng thông tin, máy bay và các thiết bị cảm biến còn giúp các nhà báo tiếp cận được những khu vực mà họ không thể đến đó bằng đường bộ. Vì sao cuộc nội chiến ở Syria thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông hơn là ở Cộng hòa dân chủ Congo cho dù nhiều báo cáo cho thấy, số lượng người chết ở Congo là rất lớn? Đơn giản vì chúng ta không có bằng chứng trực quan về những gì đã xảy ra ở Congo”, Justin Arenstein, một nhà báo Nam Phi cho biết. 

Thực tế cho thấy, công nghệ còn giúp làm sáng tỏ những vấn đề chưa được báo cáo. Hình ảnh vệ tinh và cảnh quay từ máy bay không người lái đã cho thấy cách mà các tỷ phú xây dựng khu vui chơi lấn chiếm đất ở Vườn Quốc gia Kruger rộng lớn của Nam Phi. Công nghệ hiện đại giúp các nhà báo theo dõi những vụ khai thác cá bất hợp pháp, phá hủy môi trường biển ở khu vực ngoài khơi Tanzania. Một thiết bị cảm biến đã được sử dụng để theo dõi, xây dựng bản đồ khu vực ô nhiễm không khí ở Thủ đô của Kenya… 

“Tôi đang cố gắng sử dụng thiết bị, công nghệ mới để xem xét một vấn đề cũ”, nhiếp ảnh gia Johnny Miller - người sáng lập mạng lưới hoạt động phi lợi nhuận có tên là “AfricanDrone” nói. Johnny Miller cho biết, với thiết bị máy bay không người lái, anh đã ghi lại nhiều hình ảnh về sự bất bình đẳng trong xã hội từ Dar es Salaam, Tanzania đến Nairobi, Kenya. Dự án “Sự bất bình đẳng” cũng đã lan sang Mexico và Mỹ.

Miller bắt đầu dự án “Sự bất bình đẳng” ở Nam Phi - quốc gia bị đánh giá là có sự bất bình đẳng lớn nhất thế giới vào năm 2017. Hình ảnh trong bộ ảnh của Miller cho thấy, sự tương phản rõ nét giữa những căn biệt thự sang trọng bên cạnh khu ổ chuột đông đúc từ nhiều góc máy hiếm thấy. Điều này gây ấn tượng mạnh với người xem.

Rào cản pháp lý siết chặt việc sử dụng công nghệ 

Miller cho biết, việc sử dụng máy bay không người lái đang gặp những khó khăn khi các quốc gia siết chặt việc quản lý. Nam Phi là quốc gia đầu tiên ở châu Phi đưa ra quy định nhằm hạn chế việc sử dụng máy bay không người lái. Theo đó, người sử dụng máy bay không người lái phải trải qua quá trình đăng ký và chứng nhận tốn kém tiền bạc. 

Kenya và Tanzania yêu cầu phải đăng ký và được phép của cơ quan hàng không dân dụng trước khi sử dụng máy bay không người lái. Ở Rwanda quy định, máy bay không người lái phải được điều hành bởi công dân hoặc doanh nghiệp Rwanda. Ngoài ra, các quốc gia cũng quy định việc hạn chế sử dụng máy bay không người lái ở khu vực gần tòa nhà cao tầng, sân bay, nơi tập trung đông người qua lại. 

Nhiếp ảnh gia Miller nói rằng, các nhà báo đang có xu hướng ngần ngại sử dụng máy bay không người lái vì quy trình xin cấp phép khó khăn. “Các quy định mới là dấu hiệu cho thấy, nhiều Chính phủ châu Phi lo ngại sự phát triển của công nghệ với vấn đề tự do báo chí. Họ sợ nó mang lại cho người dân quá nhiều quyền lực”, Miller nói và cho biết thêm rằng, rào cản pháp lý trong việc sử dụng công nghệ có thể sẽ là nguyên nhân tiếp tục duy trì sự bất bình đẳng đã tồn tại lâu đời tại nhiều quốc gia châu Phi.