Sự mềm mỏng đáng ngờ

ANTĐ - Trung Quốc bất ngờ tỏ ra mềm mỏng trong quan hệ với Ấn Độ trong chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị tới New Delhi cho dù giữa hai nước đã trải qua hàng thập kỷ đình trệ vì căng thẳng.

Dù là khách nhưng ông Vương Nghị lại dang tay mời tân nữ Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj 
trong cuộc gặp ở New Delhi

Chuyến công du trong 2 ngày 8 và 9-6 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Ấn Độ đang được dư luận khu vực và cả thế giới chú ý. Không chỉ là chuyến thăm của Ngoại trưởng một cường quốc đầu tiên tới Ấn Độ sau khi chính quyền của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu vừa nhậm chức mà ông Vương Nghị còn gặp gỡ các nhà lãnh đạo mới ở cường quốc đông dân thứ 2 thế giới này với vai trò đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đáng chú ý là thái độ săn đón vồn vã của ông Vương Nghị với tân nữ Ngoại trưởng Sushma Swaraj cũng như các nhà lãnh đạo nước chủ nhà. Sau cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ được mô tả là “thân thiện, hữu ích, có hiệu quả và thiết thực” với bà Swaraj, ông Vương Nghị lại có những lời lẽ “lấy lòng” tân Chính phủ của đảng BJP: “Chuyến thăm của tôi sẽ mang đến thông điệp quan trọng nhất đối với nhân dân Ấn Độ, đó là Trung Quốc đứng bên cạnh trong mọi nỗ lực cải cách và phát triển của các bạn”.

Quả thực nếu chỉ nhìn vào những cử chỉ và lời lẽ của ông Vương Nghị trong chuyến thăm với Ấn Độ thì thật khó có thể tưởng tượng nổi là quan hệ giữa hai cường quốc đông dân nhất thế giới này đã bị đình trệ cả thập kỷ qua vì căng thẳng. Trong đó, căng thẳng nhất là cuộc tranh chấp trên đường biên giới Himalaya dài 4.000 km mà New Delhi cáo buộc Bắc Kinh chiếm 38.000 km2 lãnh thổ của Ấn Độ trên cao nguyên ở dãy núi này.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Ấn Độ diễn ra khi mà tân chính phủ của Thủ tướng Modi đang muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước cũng như giảm thâm hụt thương mại hiện đã lên tới 40 tỷ USD trong tổng kim ngạch thương mại 70 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc lại muốn cải thiện quan hệ với Ấn Độ khi đang có mối quan hệ căng thẳng với nhiều quốc gia khác trong khu vực từ Nhật Bản tới Philippines, Việt Nam… do những yêu sách và hành động hung hăng, gây hấn đòi hỏi chủ quyền của nước này.

Những đòi hỏi và hành động hung hăng của Trung Quốc trong vụ đưa giàn khoan Hải Dương 981 và đội tàu hộ tống hàng trăm chiếc, trong đó có tàu và máy bay quân sự, xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc về chủ nghĩa đơn phương dựa trên sức mạnh mà có nhà phân tích gọi là “học thuyết Monroe” Trung Quốc. Học thuyết Monroe được đặt theo tên của Tổng thống Mỹ James Monroe khi ông này trong thông điệp đưa ra năm 1823 đã ngang nhiên ỷ vào sức mạnh vượt trội của Washington để tuyên bố rằng Mỹ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo và vùng biển bên trong đường ranh giới bao gồm phần lớn vùng biển Caribbe và Vịnh Mexico.

Chính vì thế mà nhiều học giả của Ấn Độ đã tỏ ra lo ngại trước việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc vì cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tới đến vị thế và vai trò của Ấn Độ trong cộng đồng quốc tế. Đó là chưa kể khi triển khai “học thuyết Monroe” Trung Quốc, Bắc Kinh với tham vọng trở thành cường quốc biển sẽ vươn tầm ảnh hưởng, chi phối từ Thái Bình Dương sang cả Ấn Độ Dương, đại dương có lợi ích sống còn với Ấn Độ.