Thảo luận các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI:
Sự lãnh đạo của Đảng là quan trọng nhất
(ANTĐ) - Ngày 13-1, Đại hội đã thảo luận tại hội trường về các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Các ý kiến đều thống nhất cao với nội dung văn kiện trình Đại hội, đồng thời, tập trung bổ sung những ý kiến, thông tin cập nhật nhằm làm rõ hơn định hướng tương lai, đáp ứng yêu cầu phát triển cao của đất nước trong tình hình mới.
>>>Tất cả vì lợi ích của nhân dân/ Sức mạnh của niềm tin
Các đại biểu thảo luận các văn kiện tại hội trường |
Phát triển ấn tượng
Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, đại biểu (ĐB) Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhận định là “thực hiện thắng lợi và thành công”. Cụ thể, vượt qua nhiều thách thức, GDP bình quân 10 năm qua đạt 7,26%/năm - một con số ấn tượng được “thế giới thừa nhận, đánh giá cao”. Chỉ rõ những hạn chế, khiếm khuyết cũng như những điểm nghẽn đang tồn tại của nền kinh tế, ĐB Võ Hồng Phúc nêu ra 4 bài học kinh nghiệm lớn.
Trong đó, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh bài học “đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”. Đồng chí nói: “Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng nhất. Kinh nghiệm năm 2008 là bài học lớn. Khi đó, lạm phát lên cao, giá cả leo thang, đời sống nhân dân khó khăn. Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, đưa vấn đề ra Trung ương thảo luận. Từ đó, đã kịp thời điều chỉnh chính sách, giao Chính phủ thực hiện và đã có thành công lớn”. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: “Sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành là cực kỳ quan trọng”.
Hướng tới giai đoạn 10 năm tới, ĐB Võ Hồng Phúc cho rằng, đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn: “Thời điểm thực hiện Nghị quyết ĐH XI sẽ khó khăn hơn nhiều Đại hội X. 5 năm trước, tăng trưởng cao, lạm phát vừa phải, nguồn lực khá hơn bây giờ nên có điều kiện để chống lạm phát. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng chỉ ở mức khá, lạm phát vẫn đe dọa, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không được như trước. Các cân đối lớn của nền kinh tế đều có khó khăn hơn. Do đó, với sự thống nhất trong toàn Đảng, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất mới vượt qua được những thử thách đó, thực hiện được nhiệm vụ đặt ra...”.
Cán bộ phải thực sự là đầy tớ của nhân dân Tham luận tại Đại hội, ĐB Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, đòi hỏi không thể thiếu trong giai đoạn sắp tới là tiếp tục tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí nói: “Hiện nay, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về vấn đề này còn chưa đầy đủ. Phải khắc phục được tình trạng này. Người cán bộ phải nêu gương về mọi mặt, luôn cần kiệm, chí công vô tư, thực sự là người đầy tớ trung thành của nhân dân như Bác Hồ đã dạy. Đảng cần quan tâm lãnh đạo, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; ngăn chặn suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên”. Tìm cơ chế nêu rõ “địa chỉ” trách nhiệm Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô bên lề Đại hội XI, ĐB Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Nội dung văn kiện rất tốt, hợp lòng dân. Song, bên cạnh nội dung, việc tổ chức thực hiện nghị quyết, văn kiện của Đại hội XI cũng quan trọng không kém. Nhiều vấn đề bức xúc xã hội đã nói lâu nhưng chưa được giải quyết tới nơi tới chốn. Địa chỉ trách nhiệm của những việc tồn đọng chưa rõ ràng. Người dân mong muốn, chỉ đạo, điều hành phải cụ thể hơn. Mỗi văn bản pháp luật đều phải làm rõ địa chỉ trách nhiệm trong tổ chức bộ máy, đến tận từng cá nhân. Thành tích rõ địa chỉ nhưng khuyết điểm, hạn chế không ai nhận là không được. Cải cách hành chính vừa rồi mới làm được một bước, có giảm bớt phiền hà nhưng sắp tới, phải làm mạnh mẽ hơn nữa, rõ trách nhiệm công vụ của mỗi vị trí công chức, đảm bảo xử lý kịp thời các bức xúc, mang lại cho người dân nền hành chính phục vụ thực sự”. |
Đi lên với kinh tế tri thức
Tham luận tại Đại hội, ĐB Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, điểm nhấn quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 là khẳng định, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu. Đó là tư duy cách mạng, dám nhìn thẳng vào sự thật, nắm bắt được xu thế và yêu cầu phát triển. ĐB Vũ Hồng Khanh cho rằng: “Thông tin và tri thức có vai trò quyết định, là yếu tố đầu vào, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, mô hình tăng trưởng của ta hiện nay đã bộc lộ những bất cập. Nếu tiếp tục, sẽ phải trả giá đắt về môi trường... Do đó, tôi tán thành tuyệt đối quan điểm phát triển bền vững, coi đây là trục xuyên suốt của Chiến lược. Việt Nam có đủ năng lực phát triển kinh tế tri thức. Nếu mạnh dạn, có quyết tâm, Việt Nam sẽ thành công”.
Đại diện đoàn ĐB TP Hà Nội đề xuất, cần khẩn trương xây dựng chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm quốc gia. Cùng với đó, cần tập trung ưu tiên xây dựng hai trung tâm quốc gia về công nghệ cao ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và xây dựng các khu công nghệ cao cấp vùng. Nhà nước phải thực sự là “bà đỡ”, hỗ trợ tối đa cho phát triển khoa học - công nghệ…
Cũng quan tâm tới vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, ĐB Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề xuất 5 nhóm giải pháp. Trong đó, giải pháp đầu tiên là phải đổi mới tư duy về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước, tác động vào sự định hướng đầu tư của doanh nghiệp trên cơ sở quy luật cạnh tranh chứ Nhà nước không cầm tay chỉ việc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, phải đổi mới chính sách tài chính, tín dụng, thuế, đất đai nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp… Cùng với đó, phải tăng tính chủ động, tự chủ của chính quyền địa phương. Đại diện đoàn ĐB TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần tập trung cho những chỉ tiêu phát triển bền vững: “Chỉ tiêu kinh tế chỉ là công cụ. Chỉ tiêu về an sinh xã hội mới là đích của tăng trưởng”.
Bảo vệ môi trường là sống còn
“Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nhưng cũng đối mặt với suy thoái môi trường gay gắt và biến đổi khí hậu. Đây sẽ là những biến số quan trọng trong phát triển đất nước những năm tới”. Đó là ý kiến của ĐB Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ TN-MT. Điểm lại quá trình thực thi pháp luật bảo vệ môi trường 5 năm qua, đồng chí Phạm Khôi Nguyên cho biết, ý thức bảo vệ môi trường đã được nâng lên đáng kể. Nhiều vụ việc lớn đã được giải quyết dứt điểm. Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng nhìn nhận, chất lượng môi trường đang xấu đi, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và đời sống người dân.
Phê bình tư duy chạy theo tăng trưởng kinh tế, không quan tâm môi trường, ĐB Phạm Khôi Nguyên cho rằng, bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn và phải có giải pháp đột phá trong giai đoạn tới. Đồng chí đề xuất: “Phải phân tích, làm rõ hơn nữa quan điểm phát triển kinh tế xanh, theo hướng thân thiện môi trường, cân đối hài hòa giữa tăng trưởng với bảo vệ môi trường… Đồng thời, cần xóa bỏ cơ chế xin - cho trong khai thác tài nguyên khoáng sản”. Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng đề nghị phải có chế tài xử lý nghiêm khắc nhất những đối tượng xâm hại môi trường, công bố rộng rãi kết quả để nhân dân biết.
Đại biểu Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ: Tăng cường phòng, chống tham nhũng “Dưới góc độ Thanh tra Chính phủ, chúng tôi đã đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng. Trong văn kiện trình Đại hội cũng đã nói tất cả những giải pháp, trong đó có giải pháp hàng đầu là xem lại cơ chế phòng ngừa, đặc biệt là phải hoàn thiện thêm thể chế về quản lý kinh tế - xã hội nói chung. Bởi hiện nay tham nhũng diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, thậm chí có phần thô bạo. Những đối tượng đó có cơ hội vi phạm vì thể chế còn nhiều sơ hở. Phải công khai trách nhiệm công vụ, công khai quy trình thủ tục hành chính, công khai về một số tiêu chuẩn, định mức... Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm kê khai và công khai tài sản của cán bộ, công chức. Để tăng cường khả năng phát hiện hành vi tham nhũng của cán bộ công chức, sẽ không chỉ dừng lại ở kê khai tài sản mà phải có những giải pháp khác - những biện pháp đặc biệt để biết những tài sản không công khai, thu nhập không công khai”. Đại biểu Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ GT-VT: “Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là nguồn lực để thực hiện khâu đột phá về hạ tầng đã được đặt ra trong văn kiện trình Đại hội XI. Vốn ngân sách là quan trọng, đã coi đó là khâu đột phá thì phải ưu tiên vốn cho hạ tầng. Thế nhưng, ngân sách quốc gia sẽ không gánh nổi vì đầu tư cho hạ tầng cần nguồn vốn khổng lồ. Do đó, chúng ta cần huy động thêm nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế như ODA. Ngoài ra, phải tìm nguồn vốn khác từ các ngân hàng tái thiết, có lãi suất cao hơn ODA nhưng vẫn thấp hơn ngân hàng thương mại. Kênh tiếp theo là xã hội hóa nguồn lực. Đặc biệt, cần xác định, người tham gia giao thông cũng phải tham gia đóng góp. Điểm này chúng ta còn chưa làm được nhiều bởi dân mình còn nghèo, khi nói tới việc phải đóng khoản nào đó là rất khó khăn. Trong đó, ưu tiên nguồn lực cho giao thông Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là điều đương nhiên”. Đại biểu Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam “Việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội rất công phu, tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tạo nên sức bật mới phát huy được tiềm lực, trí tuệ Việt Nam. Xuyên suốt toàn bộ sự kiện trọng đại này là đến lúc phải dựa vào con người, đặc biệt là đội ngũ tri thức chất lượng cao bên cạnh dựa vào tài nguyên, lao động. Tôi rất mong muốn Đảng và Nhà nước thể chế hóa toàn bộ cơ chế, chính sách bằng những giải pháp lớn, biến tư tưởng xuyên suốt Đại hội là phát triển cuộc sống, con người. Đó là cách tốt nhất để phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng như phát triển tiềm lực vô hạn của người Việt Nam, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam - yếu tố đảm bảo cho chúng ta giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh rất khốc liệt trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế”. |
Chính Trung