Sự khác nhau về dinh dưỡng của thực phẩm khi nóng và lạnh

ANTD.VN - Nấu ăn có thể ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của thực phẩm như tỷ lệ hấp thụ chất dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa, lượng vitamin và khoáng chất nhất định trong thực phẩm.

Sự khác nhau về dinh dưỡng của thực phẩm khi nóng và lạnh ảnh 1

Thức ăn nấu chín dễ tiêu hóa hơn

Về cơ bản, phải mất rất nhiều thời gian để tiêu hóa thức ăn lạnh vì nó chỉ dựa vào nước bọt và dịch dạ dày. Thức ăn nóng được tiêu hóa trước, do phản ứng nhiệt. Việc tạo ra nhiệt và sử dụng để nấu ăn gây ra phản ứng hóa học làm thay đổi thực phẩm, thay đổi bản chất của thịt, ngũ cốc và rau quả để làm cho chúng dễ tiêu hóa hơn. Việc làm nóng thức ăn giúp tiêu hóa nhanh hơn. 

Ngoài việc dễ tiêu hóa hơn, nấu ăn có thể loại bỏ được nhiều bệnh do thực phẩm gây ra và mang đến cảm giác dễ chịu hơn cho các giác quan khi thưởng thức chúng. Khi bạn làm nóng thức ăn, các phân tử trở nên dễ bay hơi hơn - chúng bay khỏi thức ăn dưới dạng mùi thơm. Do đó, các giác quan của cơ thể cảm nhận được mùi này và khuyến khích cơ thể tiêu thụ các loại thực phẩm lành mạnh hơn (được nấu chín). Đặc biệt, một số thực phẩm như thịt, rau, đậu có mùi vị thơm ngon hơn khi nấu chín.

Bằng cách nung nấu thức ăn, chúng ta tăng lượng calo hấp thu từ thực phẩm. Các nghiên cứu cho thấy con người có thể nhận được nhiều hơn khoảng 30% năng lượng từ thịt nấu chín và hơn 90% nếu là đậu hoặc tinh bột vì hệ tiêu hóa của chúng ta gần như có thể ngay lập tức hấp thụ calo từ thực phẩm nấu chín.

Một số rau quả ăn sống tốt hơn nấu chín 

Mỗi loại rau quả đều chứa lượng vitamin và dinh dưỡng khác nhau. Nhưng sử dụng chúng như thế nào trong bữa ăn để cơ thể tận dụng tốt nhất các chất dinh dưỡng là điều không phải ai cũng biết. Có những thực phẩm được khuyên dùng bằng cách ăn sống vì nó sẽ mất chất khi được nấu chín.

Dưa chuột chứa hỗn hợp vitamin C, vitamin B và các chất khoáng giúp làm thanh mát cơ thể và tăng sức đề kháng. Các chất dinh dưỡng có trong lớp vỏ cũng rất dồi dào. Vì vậy, bạn nên ăn dưa chuột tươi sống càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, để loại bỏ thuốc trừ sâu từ thức ăn, nên nhúng thức ăn trong nước muối từ 15-20 phút và sau đó rửa bằng nước sạch.

Lượng vitamin A dồi dào trong cà chua có tác dụng tốt đến thị lực và làn da con người. Cà chua được khuyên dùng nên ăn sống và tránh ăn quả xanh. Khi ăn cà chua lạnh, không nên thêm đường vì vị ngọt có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, món này cũng không tốt cho các bệnh nhân tiểu đường, béo phì và huyết áp cao. 

Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2002 cho thấy, các loại rau quả như cà chua được nấu chín làm tăng lượng lycopene trong cà chua. Lycopene được tìm thấy trong thực phẩm như cà chua, dưa hấu, ớt đỏ, đu đủ có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư và đau tim. Vitamin C là một chất chống oxy hoá quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, một nhược điểm của rau quả này khi được nấu chín là chúng sẽ bị mất một lượng đáng kể vitamin C.

Trong ớt có chứa một lượng lớn vitamin C có thể cải thiện khả năng miễn dịch, ngăn chặn hiệu quả các bệnh khác nhau. Nhưng vấn đề cần hết sức lưu ý là hàm lượng chất có trong ớt sẽ giảm đáng kể nếu bạn xào nấu chín.

Cà tím là loại quả dồi dào selenium. Loại cà này chống lại quá trình oxy hóa, duy trì hoạt động bình thường của các tế bào, tăng cường khả năng miễn dịch và giúp cơ thể kháng nhiều bệnh khác nhau. Loại quả này được khuyên dùng để ăn sống hoặc không nên xào nấu kỹ. 

Uống nước nóng hay nước lạnh tốt hơn?

Có những người thích uống nước ấm, một số lại thích uống nước lạnh. Khi uống nước lạnh, bạn sẽ được giải nhiệt cơ thể nhanh. Về mặt dinh dưỡng, nước lạnh được hấp thu nhanh hơn nước ấm và do đó làm giảm nguy cơ mất nước. Hơn nữa, uống nước lạnh có thể giúp đốt cháy nhiều calo hơn vì cơ thể phải làm nóng nước. Uống nước ấm cũng có những lợi ích vì nó được cho là hỗ trợ tiêu hóa và giúp giải độc cơ thể.