Sự khác nhau trong cách đối phó với dịch Covid-19 ở Nhật Bản và Hàn Quốc

ANTD.VN - Đã hơn 2 tháng kể từ khi dịch virus Corona mới (Covid-19) bùng phát. Tính đến ngày 9-3, Nhật Bản có 1.198 bệnh nhân dương tính với Covid-19 (705 trong số đó là hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess) với 14 ca tử vong, trong khi Hàn Quốc có 7.313 bệnh nhân với 50 ca tử vong. Tại sao có sự khác biệt lớn như vậy?

Sự khác nhau trong cách đối phó với dịch Covid-19 ở Nhật Bản và Hàn Quốc ảnh 1Từ ngày 9-3, Hàn Quốc cũng thắt chặt quy định nhập cảnh đối với hành khách đến từ Nhật Bản 

Nhật Bản và Hàn Quốc là những nền kinh tế hàng đầu châu Á, tuy nhiên, chính sách xử lý dịch Covid-19 của họ không giống nhau, các tổ chức xã hội của họ rất khác nhau dẫn đến kết quả cũng hoàn toàn khác nhau. Dưới đây là bài phân tích của ông Oh In-gyu, Giáo sư về chính sách xã hội tại trường Đại học Kansai Gaidai (Nhật Bản) trên tờ Korea Times.

Hàn Quốc: Chủ quan, thiếu quyết liệt 

Ban đầu, Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào việc xét nghiệm đối với các bệnh nhân nam ở độ tuổi từ 50 trở lên, đặc biệt là những người đã tới Vũ Hán, Trung Quốc. Ngành Y tế nước này tin tưởng rằng có thể ngăn chặn thành công dịch bệnh bằng cách dựa vào các bộ dụng cụ và phương pháp xét nghiệm đẳng cấp thế giới của họ. Cho đến ngày 20-2-2020, số bệnh nhân được xác nhận đã không vượt quá 104 - đó là thành công bước đầu khi kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên có lẽ họ đã quá tự tin. Chẳng hạn, Tổng thống Moon Jae-in phát biểu trên truyền hình tuyên bố sẽ chấm dứt dịch bệnh ở Hàn Quốc vào ngày 13-2.

Trong khi cùng thời điểm đó, Nhật Bản mắc vào sự cố phát hiện du khách nhiễm Covid-19 trên tàu du lịch Diamond Princess neo đậu tại thành phố Yokohama vào ngày 3-2. Các nhân viên kiểm dịch của Nhật Bản không được trang bị bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, họ cũng không được hướng dẫn về quy trình xét nghiệm và cách ly đối với một ổ dịch lớn ngoài sức tưởng tượng. Do những khó khăn ban đầu trong việc kiểm tra và cô lập các bệnh nhân có virus với những người còn lại, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cách ly toàn bộ con tàu. Trong khi những người thử nghiệm âm tính 2 lần cuối cùng đã được phép rời khỏi tàu vào ngày 19-2, con tàu vẫn bị cách ly ngoài khơi Nhật Bản.

Do đó, chính sách của Nhật Bản là ngay từ đầu đã đóng cửa các khu vực đông người như tàu du lịch, tòa nhà công cộng, sân vận động và trường học. Chính phủ cũng phát động một chiến dịch yêu cầu công dân cư xử thận trọng bằng cách tránh các cuộc tụ họp không cần thiết và tiếp xúc với người khác.

Khía cạnh xã hội học khi ứng phó với bệnh dịch

Sự khác biệt thứ hai giữa 2 quốc gia không chỉ là chính sách kiểm dịch, mà còn là khía cạnh xã hội học của dịch bệnh. Khi bất kỳ dịch bệnh nào xảy ra, nó có cả nguyên nhân và hậu quả bệnh lý và xã hội học. Để chống lại căn bệnh này, mỗi Chính phủ phải giải quyết cả 2 khía cạnh của vấn đề. Chính phủ Hàn Quốc đã không giải quyết được khía cạnh xã hội học của vấn đề.

Trong đại dịch MERS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông) năm 2015, giới chuyên gia Hàn Quốc đã nhận thấy rằng bệnh viện là yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, vì theo truyền thống, văn hóa Hàn Quốc cho phép các thành viên gia đình và bạn bè đến thăm bệnh nhân để chăm sóc và ở lại với họ đến tận đêm khuya. Do đó, nhiều khách đến bệnh viện đã bị nhiễm bệnh sau những lần thăm như vậy. 5 năm sau, vụ việc tương tự xảy ra ở Bệnh viện Daenam, Cheongdo, nơi 108 người được chẩn đoán mắc Covid-19.

Điều nghiêm trọng hơn là trong đợt dịch này, Chính phủ chưa quan tâm thực sự đến việc phân tích cấu trúc của các tổ chức xã hội. Về mặt xã hội học, Hàn Quốc có một số tổ chức xã hội nổi tiếng nơi có số lượng lớn thành viên tụ tập thường xuyên. Những cấu trúc khổng lồ về văn hóa đó là trường học (10 triệu học sinh), nhà thờ (7 triệu tín đồ) và căn cứ quân sự (600.000 binh sĩ). Ba cấu trúc lớn này là nơi các các cá nhân tiếp xúc gần gũi và thường xuyên, từ bắt tay đến ngồi sát nhau trong một thời gian dài hay cùng chia sẻ đồ ăn, thức uống với nhau.

Hiện nay, tâm chấn lớn nhất của dịch bệnh là Nhà thờ Sincheonji ở Daegu, nơi các thành viên giáo hội chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi 20. Riêng số bệnh nhân ở Daegu là 4.326 người (chiếm 78% ca nhiễm Covid-19 trên khắp Hàn Quốc) tính đến ngày 5-3. Nếu Chính phủ chú ý đến các cấu trúc khổng lồ này và hạn chế các cuộc tụ họp đông người kịp thời, có lẽ kết quả sẽ hoàn toàn khác. Và mặc dù các trường học đã đóng cửa kịp thời, doanh trại quân đội lại chậm kiểm dịch ở cơ sở bằng cách mở cửa trở lại và tuyển tân binh mà không cần kiểm tra hoặc cách ly. Hậu quả, quân đội Hàn Quốc hiện có 34 bệnh nhân nhiễm Covid-19 cùng 5.920 người khác thuộc diện cách ly. 

Trong khi đó, Nhật Bản không có môi trường truyền nhiễm “siêu hạng” như kể trên bởi họ duy trì nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch như các bệnh viện quy định tuyệt đối không cho phép thăm bệnh nhân ồ ạt, quân đội cũng đã hủy bỏ mọi hoạt động liên quan đến việc mời người ngoài vào… vì thế tỷ lệ lây nhiễm ở những nơi này rất ít.

Tại sao phụ nữ ở độ tuổi 20 Hàn Quốc dễ nhiễm Covid-19?

Dữ liệu thống kê về dịch bệnh cho thấy Hàn Quốc dường như là trường hợp độc nhất vô nhị. Trong khi ở các quốc gia khác, hầu hết bệnh nhân là nam giới ở độ tuổi 50 trở lên thì ở Hàn Quốc, phụ nữ ở độ tuổi 20 bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tính đến ngày 5-3, 63% tổng số bệnh nhân Covid-19 ở Hàn Quốc là phụ nữ, chủ yếu là thành viên của Nhà thờ Sincheonji, trong khi đó tỷ lệ này ở Nhật Bản chỉ là 38%. 

Con số đó nói lên điều gì? Tại sao các phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc lại chăm đi nhà thờ đến vậy? Nguyên nhân là xã hội Hàn Quốc thất bại trong việc chống trầm cảm ở phụ nữ trẻ. Đất nước này có tỷ lệ tự tử ở nữ cao nhất thế giới tính đến năm 2016 (14,1 vụ tự tử trên 100.000 dân). Con số này cao hơn nhiều so với Nhật Bản, dù xếp hạng thứ ba với 8 vụ tự tử trên 100.000 người. Nạn tự tử ở các cô gái trẻ ở Hàn Quốc là một vấn đề xã hội học phức tạp nhưng rõ ràng, họ không tìm được sự tin cậy từ những người xung quanh nên tìm đến nhà thờ để tìm chỗ dựa tinh thần cho mình.