Sự khác biệt Đông - Tây

ANTĐ - Lại có thêm giải thích mới về nguồn gốc tạo ra sự khác biệt văn hóa giữa phương Tây và phương Đông, bắt nguồn từ sự khác biệt trong lịch sử hoạt động nông nghiệp kéo dài hàng nghìn năm, cụ thể là giữa văn hóa lúa nước và văn hóa lúa mỳ. 

Nếu biết cách để mọi người cùng nhìn về một hướng
thì sự đa dạng về văn hóa sẽ là động lực cho phát triển

Đây là công bố mới nhất của một nhóm chuyên gia tâm lý học đến từ các trường đại học của Mỹ và Trung Quốc. Các nhà khoa học cho rằng những người ở vùng có truyền thống trồng lúa nước sẽ có xu hướng phát triển tinh thần tập thể cao do hoạt động canh tác vất vả đòi hỏi sự hợp tác giữa các cá nhân. Ngược lại, những người thuộc vùng trồng lúa mỳ thường suy nghĩ độc lập hơn, chủ yếu bởi loài cây này đòi hỏi ít công sức chăm sóc và do đó không cần nhiều sự hợp tác như cây lúa nước. 

Để rút ra kết luận trên, nhóm chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu đối với 1.162 sinh viên người Hán, dân tộc chiếm đa số tại Trung Quốc, sống tại hai bên bờ Trường Giang - con sông phân cách hai khu vực miền Nam trồng lúa nước và miền Bắc trồng lúa mỳ. Khi được yêu cầu vẽ biểu đồ quan hệ xã hội, các sinh viên đến từ vùng trồng lúa mì vẽ bản thân to hơn so với những người đến từ vùng lúa nước, cho thấy những người thuộc nền văn hóa lúa mỳ theo chủ nghĩa cá nhân, coi trọng bản thân hơn so với những người ở vùng văn hóa lúa nước. 

Kết luận trên còn được chứng minh tại nhiều quốc gia khác nhau. Tại Ấn Độ, nơi cũng tồn tại sự phân tách văn hóa lúa nước và lúa mỳ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm và thu được kết quả tương tự. Một số ví dụ khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia Đông Á giàu có và hiện đại hóa không kém gì các cường quốc phương Tây, song vẫn giữ những bản sắc của nền văn hóa lúa nước và sống theo chủ nghĩa tập thể nhiều hơn chủ nghĩa cá nhân. 

Người ta cũng nhận thấy rằng những người ở khu vực trồng lúa nước có tính cách rụt rè, trong khi những người trồng lúa mỳ có vẻ bộc trực hơn. Bên cạnh đó, những người trồng lúa nước cũng nặng nghĩa tình hơn, có xu hướng dễ khen thưởng và ít trừng phạt bạn bè, phản ánh mối quan hệ cộng đồng tập thể khăng khít trong tương tác xã hội và công việc.

Trước đây, tôn giáo, chính trị, khí hậu được coi là các yếu tố chính tạo ra sự khác biệt trong văn hóa Đông – Tây. “Học thuyết cây lúa” bổ sung thêm một các lý giải mới giúp ta hiểu rõ hơn nguồn gốc của sự khác biệt này. Đây chính là những yếu tố dẫn đến sự khác biệt trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội, và một khi những yếu tố đó gặp nhau, sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, phủ định, nếu không dung hợp được các yếu tố đó sẽ làm mâu thuẫn giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây trở nên căng thẳng, tới một mức nhất định sẽ xảy ra xung đột . 

Tuy nhiên, ai cũng biết muốn văn hóa trở thành một phần động lực trong quá trình phát triển, thì phải biết kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những giá trị không còn phù hợp nhưng đồng thời phải biết tiếp thu những giá trị hợp lý của các nền văn hóa khác. Chính vì thế, sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây không phải là trở ngại mà chính là yếu tố giúp cho nền văn hóa các nước phong phú hơn nếu biết kết hợp và phát triển một cách sáng tạo.